Về xóm 3 xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) hỏi thăm ông Đặng Quang Học thì ai cũng biết bởi “danh tiếng” của người nông dân chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc đã lan toả khắp trong làng, ngoài xã. Vừa chơi được đàn hay, vừa dạy đàn miễn phí cho bất cứ ai đến xin học, căn nhà nhỏ của ông Học lúc nào cũng rộn rã tiếng đàn, tiếng hát.
Trong nhà ông Học hiện còn 3 cây đàn “gia bảo”, từ thời các cụ để lại. Đó là 3 chiếc đàn tranh, đàn nguyệt, đàn ghita cổ làm từ gỗ cây ngô đồng đã ngả màu của thân sinh ra ông - cụ Đặng Quang Lanh. Cụ Lanh trước kia vốn là bộ đội thời kháng chiến chống Pháp và cũng là một “cây” hát chèo có hạng của xã. Từ những ngày thơ bé, ông Học đã “ngấm” những làn điệu chèo cùng những bản nhạc réo rắt rộn rã phát ra từ mấy cây đàn của bố. Nghe mãi thành quen, thích rồi say mê. Tiếng đàn của bố ông trong những năm kháng chiến chống Pháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông Học kể rằng “cứ mỗi chiều rảnh rỗi được nghe những âm thanh kỳ diệu phát ra từ tiếng đàn của bố, lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu lắm nhưng thấy một cảm xúc gì đấy rất ngân nga. Lớn lên một chút nữa, tôi tập đánh những nốt nhạc đầu tiên, tập hát những khúc nhạc “Khúc ca hoa trúc” rồi những bài thơ của Nguyễn Bính được phổ nhạc. Bố tôi còn thường xuyên kể những “chiến tích” của từng chiếc đàn. Những chiếc đàn này đã có mặt ở hầu khắp các chiến trường, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cổ vũ chiến sĩ xông pha ngoài trận địa... Trước khi mất, tài sản duy nhất ông cụ để lại đó là những cây đàn.
Trong ảnh: Ông Đặng Quang Học luôn say mê đàn, hát. |
Chơi đàn từ khi lên 7 tuổi, hơn nửa đời người ông Học gắn bó với những cây đàn. Cái thú tao nhã ấy chẳng dễ thấy ở những người nông dân quanh năm vất vả. Năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Học về cùng mẹ và các em xây dựng kinh tế. Hồi ức về những ngày quân ngũ đẹp đẽ, ông Học kể: “Trong giờ giải lao tôi lại lấy đàn ra góp vui cùng anh em, khi tấu xong mấy khúc chèo cổ, khi ấy đồng chí chỉ huy phó sư đoàn tên là Đạt ngồi nghe cùng anh em chiến sĩ vỗ tay rất lâu sau đó giới thiệu tôi lên đơn vị, tuyển vào đội văn nghệ trình diễn những ca khúc chính trị phục vụ đơn vị”. Sau khi vào đội văn nghệ ông đã được đi rất nhiều đơn vị trình diễn, những chuyến đi đều mang lại trong ông một tình cảm đặc biệt: “Khi tôi tấu xong khúc nhạc “Khúc ca hoa trúc” cả đại đội vỗ tay và yêu cầu tôi tấu đi tấu lại 4-5 lần”.
Yêu những giai điệu từ những cây đàn mang lại, trở về địa phương sau những ngày lao động mệt mỏi ông lại mang đàn ra, vừa đàn vừa hát. Giây phút ấy khiến bao mệt mỏi trong người ông tan biến. Ông bảo, quan trọng nhất là qua giai điệu, qua ca từ mình cảm nhận văn hóa truyền thống. Khi ông say sưa với những ngón đàn, sự khắc khổ, bươn chải của cuộc sống thường ngày dường như biến mất. Thay vào đó là sự ngân nga của những câu hát, cái tâm tình trong trẻo của một người mê nhạc và một sự hồn hậu, chất phác như chính những làn điệu, câu hát được cất lên.
Chơi được đàn tranh, đàn nguyệt, ghi ta cổ điển và hát được các thể loại chèo, cải lương, dân ca, ông Học khá “đa tài” và có duyên với các loại hình nhạc dân tộc. Sau bao nhiêu năm gắn bó với âm nhạc truyền thống, ông Học nhận ra, để học được thể loại nhạc này rất khó. Đối với những thể loại khó nhất như hát văn, ông bảo không phải cứ ngồi ôm đàn là chơi được. Ông đã học mọi lúc mọi nơi có thể. Đi nhổ mạ, đi cấy, đi xây ông cứ lẩm nhẩm xem phải vào phách, vào nhịp như nào cho đúng. Cứ như thế nhiều bài hát khó, nhiều đoạn nhạc chơi chưa đúng cách của ông đã được hoàn thiện. Nhạc dân tộc khó học là vậy song ông Học vẫn cho rằng chỉ cần có tâm hồn yêu mến cái đẹp, yêu những giá trị văn hóa truyền thống thì vẫn có thể học được.
Mặc dù chưa bao giờ có một lớp học chính thức nhưng có lẽ nhiều thế hệ yêu mến nhạc dân tộc trong làng, trong xã gọi ông là thầy. Vào những ngày rỗi rãi, những đợt vui Tết Trung thu, những kỳ trong làng, trong xã có “sự kiện” văn nghệ, ông lại có điều kiện phát huy tiếng đàn, tiếng hát của mình phục vụ đông đảo bà con. Rồi được thấy sự đam mê của những người trẻ dành cho loại hình âm nhạc vốn đẹp nhưng ngày càng “xa lạ” nhiều với giới trẻ, ông đã đứng ra dạy miễn phí cho tất cả những người say mê âm nhạc, bất kể già trẻ, trai gái. Ông không quản ngại vất vả, tranh thủ giờ nghỉ trong ngày làm đồng, đi xây mệt nhọc để chỉ bảo tận tình cho những người đến học đàn, học hát của ông. Ông còn bỏ nhiều thời gian, công sức theo đội văn nghệ của xã tập luyện hằng tuần để phục vụ bà con hoặc tham gia các hội thi của huyện, của tỉnh. Căn nhà nhỏ của gia đình ông vì vậy đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người đam mê nhạc cổ truyền. Ông dự định, sau một vài năm nữa khi không còn đủ sức khỏe để làm những công việc đồng ruộng, ông sẽ mở một lớp học chính thức giữa làng để “truyền thụ” tất cả tình yêu, sự hiểu biết của ông về âm nhạc dân tộc đến những người có cùng sở thích.
Dù chưa có lớp học chính thức song những lớp học “tự phát” của ông Học vẫn bừng cháy tình yêu của ông dành cho âm nhạc truyền thống./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân