Bảo tàng tỉnh với công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

07:06, 15/06/2012

Bảo tàng tỉnh Nam Định là một trong số các bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm với bề dày gần 50 năm. Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2005, Bảo tàng tỉnh được đầu tư xây dựng tại khu vực Cột Cờ, đường Hà Huy Tập (TP Nam Định) với tổng diện tích gần 10 nghìn m2, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Bảo tàng tỉnh thuộc trung tâm khu vực.

Các chuyên gia nước ngoài phối hợp nghiên cứu di sản văn hoá tại Bảo tàng Nam Định. Ảnh: PV
Các chuyên gia nước ngoài phối hợp nghiên cứu di sản văn hoá tại Bảo tàng Nam Định. Ảnh: PV

Năm 2010, bảo tàng được Bộ VH, TT và DL hiệp y với UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng bảo tàng hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Với số lượng hơn 20 nghìn tài liệu, hiện vật được lưu giữ lại bảo tàng đã được kiểm kê, giám định, bảo quản theo đúng quy định của Bộ VH, TT và DL, phản ánh các điều kiện tự nhiên và xã hội qua các thời kỳ của tỉnh. Bên cạnh đó, với tiềm năng vùng quê giàu truyền thống di sản văn hóa với trên 4.000 di tích gắn với hơn 100 lễ hội truyền thống là điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của Bảo tàng tỉnh. Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh còn chuẩn bị và tham mưu với UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL tổ chức thành công các hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp ngành gồm: "Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần", "Nội dung và giải pháp trưng bày Bảo tàng tỉnh", "Thái sư Lại Thế Vinh và dòng họ Lại trong kho tàng di sản văn hóa Nam Định" và tham gia nghiên cứu 2 đề tài khoa học cấp tỉnh: "Lễ hội và giải pháp quản lý lễ hội ở Nam Định", "Những biến đổi làng xã ở Nam Định đầu thế kỷ XIX"... Đặc biệt, các cuộc hội thảo trong mảng di sản văn hoá Trần như "Lễ khai ấn đền Trần - giá trị và giải pháp bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc", "Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần - Nam Định năm 2012" tổ chức tháng 7-2011, "Luận cứ khoa học tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định" (1262-2012) được tổ chức tháng 9-2011 tại Thành phố Nam Định... đã làm sáng tỏ di sản văn hóa Trần; đánh giá sự cần thiết, ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa của việc tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định gắn với đón nhận quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I. Qua các cuộc hội thảo, đã khẳng định vai trò, vị thế của vùng đất Thiên Trường - trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế, quân sự của nước Đại Việt ở thế kỷ XIII-XIV, nền tảng để phát triển và hình thành tỉnh Nam Định ngày nay. Các cuộc hội thảo cũng đề ra định hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Thiên Trường - Nam Định.

Bảo tàng tỉnh còn trực tiếp tham gia các đề tài NCKH và tổ chức các đề tài khoa học về mảng di sản như "Lễ hội và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định", "Lễ hội Trần tại Nam Định"; tham gia hội thảo khoa học các đơn vị quản lý di tích nho học Việt Nam do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức với tham luận: "Nho học và hệ thống văn từ văn chỉ tại Nam Định"; tổ chức NCKH về di sản văn hóa theo chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng, gồm các đề tài: "Khảo sát dấu tích Thành Nam thời Nguyễn", "Nghiên cứu kết nối các DSVH tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định phục vụ giáo dục và phát triển du lịch", "Tìm hiểu các hoa văn, đề án trang trí trên các hiện vật thời Trần tại Nam Định", "Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy các thiết chế bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh”. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn nghiên cứu xây dựng hàng chục sưu tập hiện vật góp phần phân loại tổ chức trưng bày các chuyên đề về DSVH của Nam Định. Đặc biệt, bảo tàng đã tổ chức nghiên cứu, hội thảo hoàn thành đề cương chi tiết trưng bày phần lịch sử của tỉnh Nam Định (từ thời kỳ tiền, sơ sử qua các giai đoạn phong kiến đến hết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) trong dịp khai mạc kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định.

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và khai quật các vị trí như Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, Liễu Nha, Đình Cao Đài, Phương Bông, cánh đồng Cửa Triều... và các di tích liên quan đến thời Trần; khai quật kiến trúc tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản) để làm cơ sở phục dựng 2 kiến trúc lầu Cô, lầu Cậu; phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia khai quật, thám sát lập hồ sơ trình Bộ VH, TT và DL công nhận di tích quốc gia quần thể Bảo tháp Chương Sơn tại núi Ngô Xá và Phương Nhi, xã Yên Lợi (Ý Yên).

Những hoạt động NCKH của Bảo tàng tỉnh đã giúp tỉnh và ngành VH, TT và DL có những định hướng chỉ đạo về công tác quản lý di sản văn hóa, góp phần làm sáng tỏ các giá trị lịch sử văn hóa, gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ, đặc biệt là có biện pháp bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com