Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

08:04, 21/04/2012

Trong các yếu tố để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa có thể diễn ra, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Vấn đề được đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế ấy để có tác dụng thật sự trong cuộc sống.

Hệ thống thiết chế văn hóa bao gồm: Nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, công viên văn hóa,... nhưng trong hoạt động văn hóa cơ sở thì nhà văn hóa được xem là thiết chế cơ bản nhất. Nhà văn hóa cơ sở, trước hết là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cụ thể có hai chức năng: Là nơi biểu diễn nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và cũng là nơi "nuôi dưỡng", đào tạo và phát hiện những mầm non nghệ thuật từ cơ sở. Hiện nay, khái niệm nhà văn hóa có thể được hiểu là nơi sinh hoạt văn nghệ. Theo tiêu chuẩn chung, nhà văn hóa thôn, làng, ấp, bản, khu phố có diện tích từ 80m2 đến 100m2, có tính đa năng hơn và thường kết hợp với trạm truyền thanh cùng một số cơ sở vật chất để hoạt động văn hóa văn nghệ và tổ chức hội họp, học tập, kèm theo là các sân chơi ngoài trời, sân chơi thể thao. Nhà sàn văn hóa ở miền núi phía Bắc, nhà Rông văn hóa ở Tây Nguyên, nhà văn hóa thôn, ấp ở đồng bằng... đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng quen thuộc từ nhiều năm nay. Hiện nay, cả nước có 45.459 thôn, làng, ấp, bản, khu phố có nhà văn hóa, chiếm 43% trong tổng số thôn, bản, làng, ấp trong cả nước. Đây là mô hình tiêu biểu cho phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", do nhân dân tự đóng góp xây dựng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều xã, thôn, làng, ấp, bản, khu phố ở các vùng, miền hiện vẫn chưa có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, hoặc nếu có thì phần lớn các nhà văn hóa bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị, đồng thời việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện. Ở nhiều nơi, khi chưa có nhà văn hóa thì luôn luôn đòi hỏi phải xây dựng nhà văn hóa và sự thật là nhân dân địa phương cũng rất cần có một địa điểm sinh hoạt cộng đồng như vậy. Nhưng cũng có không ít nơi, khi đã xây dựng được nhà văn hóa thì lại hoạt động kém hiệu quả hoặc sử dụng vào những việc không đúng mục đích, thậm chí là bỏ không, gây lãng phí tiền của và công sức của nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần có sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương. Lãnh đạo một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò văn hóa trong cuộc sống tinh thần của người dân, đặc biệt là sự cần thiết phát triển kinh tế, đối với xây dựng đời sống văn hóa cho nên chưa chú trọng đến việc quy hoạch xây dựng, dành diện tích đất đai cho xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, thư viện, nhất là trong bối cảnh đất đai ở các vùng ven đô, có dự án đang ngày càng đắt giá. Có địa phương thực hiện xây nhà văn hóa cũng chỉ làm theo phong trào, mang tính hình thức mà không thật sự quan tâm đến việc sử dụng nó như thế nào, đưa vào hoạt động ra sao để góp phần thiết thực vào công tác phong trào ở địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và duy trì hoạt động, tiếp thêm sức sống cho các nhà văn hóa cơ sở.

Thư viện tỉnh Nam Định. Ảnh: Internet
Thư viện tỉnh Nam Định. Ảnh: Internet

Cùng với việc quan tâm xây dựng nhà văn hóa cơ sở, điều quan trọng là lãnh đạo địa phương cần chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa và đào tạo bồi dưỡng cán bộ hoạt động cho nhà văn hóa, đồng thời có một cơ chế chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ này. Đây là khâu quyết định đến sự tồn tại và hoạt động hiệu quả của nhà văn hóa, có phong phú và gắn với nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân hay không. Theo thống kê mới đây, cán bộ văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn có trình độ đại học đạt 16%, cán bộ trung cấp đạt 71%. Điều này cho thấy đội ngũ cán bộ nhà văn hóa ở cơ sở hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Cán bộ nhà văn hóa cơ sở phải có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự say mê với công việc, năng động, sáng tạo cũng như có khả năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Qua thực tiễn, những cán bộ văn hóa cơ sở là những người trực tiếp gắn với phong trào, lăn lộn với phong trào, sáng tạo ra các hình thức hoạt động đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Để thu hút các tầng lớp nhân dân, các nhà văn hóa cơ sở phải tìm ra cách thức hoạt động hấp dẫn lôi cuốn với những hình thức hoạt động phong phú: Biểu diễn văn nghệ, gặp gỡ giao lưu, nói chuyện thời sự, và kể cả lồng ghép những hoạt động sinh hoạt các loại câu lạc bộ người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Thanh niên, rồi các hoạt động sinh vật cảnh... Nhiều nhà văn hóa tập trung khai thác được kho tàng văn hóa dân gian ở địa phương, kết hợp với ngành du lịch để thu hút du khách, giới thiệu và bán sản phẩm của làng nghề... Để làm được điều này, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở phải chịu khó tìm tòi, sáng tạo nội dung và hình thức hoạt động, bảo đảm tăng công suất và hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước và địa phương, để có thể xây dựng các thiết chế nhà văn hóa, đồng thời để hệ thống này tồn tại và hoạt động hiệu quả, cần phải có nguồn kinh phí thông qua việc thực hiện phương thức xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tài trợ và sự đóng góp của nhân dân. Trong hoạt động của nhà văn hóa, trước hết phải dựa vào các phong trào quần chúng ở địa phương với những đội văn nghệ, những diễn viên không chuyên xuất sắc. Ở nhiều địa phương, lực lượng diễn viên không chuyên này hoạt động khá hiệu quả. Ở một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà văn hóa đã thành lập được 208 câu lạc bộ với 24.332 hội viên và tổ chức sinh hoạt tới 2.500 buổi/năm. Có 106 đội nhóm, câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, võ thuật hằng năm thu hút hàng nghìn người xem và trực tiếp tham gia. Các nhà văn hóa còn tổ chức các lớp học sở thích, kỹ năng nghề nghiệp cho 4.000 lượt người. Ở Hải Phòng, các nhà văn hóa cấp xã đã xây dựng được 344 đội văn nghệ, 481 câu lạc bộ, trung bình mỗi nhà văn hóa hoạt động từ 50 đến 200 buổi sinh hoạt/năm. Nhà văn hóa hoạt động phong phú có hiệu quả sẽ thu hút được sự đóng góp sức người sức của của nhân dân đồng thời các doanh nghiệp, các đoàn thể đơn vị cá nhân cũng sẵn sàng tài trợ để có kinh phí hoạt động.

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng đã nêu ra mục tiêu hướng tới xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và năm 2020, sẽ có 90% đến 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80% đến 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60% đến 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa, kiện toàn cơ sở vật chất, các địa phương cần quan tâm đổi mới hình thức hoạt động của các nhà văn hóa và chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ của nhà văn hóa để họ yên tâm công tác, phát huy khả năng sáng tạo và nhiệt huyết trong xây dựng phong trào và qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com