Góp tiền diễn xướng di sản

04:04, 12/04/2012

Liên hoan diễn xướng Chầu văn Hải Phòng mở rộng năm 2012 vừa được tổ chức tại Hải Phòng. Điều thú vị là chính cộng đồng, chủ thể văn hóa đã cùng nhau góp tiền để đem di sản độc đáo này diễn xướng trước công chúng.

Chầu văn có sức sống riêng mãnh liệt, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu văn hóa mà còn của đông đảo công chúng.  Ảnh: Internet
Chầu văn có sức sống riêng mãnh liệt, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu văn hóa mà còn của đông đảo công chúng. Ảnh: Internet

Với sự tham gia của 15 thanh đồng đến từ nhiều tỉnh, thành: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội… đây là lần thứ ba Liên hoan được tổ chức tại Hải Phòng. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương khác như Nam Định, Thái Bình đều đã từng tổ chức nhưng Liên hoan diễn xướng Chầu văn Hải Phòng vẫn được đánh giá là quy mô, phong phú và có tính liên tục hơn cả. Nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ đánh giá cao cộng đồng diễn xướng Chầu văn Hải Phòng bởi theo ông, không chỉ cần có những thanh đồng có điều kiện, mang tầm cỡ mà quan trọng hơn là cộng đồng đoàn kết, chung sức chung lòng để tổ chức diễn xướng di sản này cho đông đảo công chúng thưởng thức.

Gần như toàn bộ kinh phí tổ chức Liên hoan đều do cộng đồng, những chủ thể di sản trang trải. Tổ chức theo phương thức xã hội hóa, có những nhà tài trợ ủng hộ hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có những thanh đồng chỉ góp vui vài trăm nghìn đồng. Đáng quý là các chủ thể văn hóa nhiệt tình tham gia Liên hoan. Như vợ chồng thanh đồng Nguyễn Mạnh Kha và Phạm Ngọc Lan, vợ tham gia diễn xướng còn chồng tài trợ hẳn bộ âm thanh đồ sộ phục vụ suốt hai ngày đêm diễn xướng Chầu văn. Nhiều thủ nhang, chủ từ ở nhiều địa phương không chỉ chăm chú dõi theo suốt những ngày diễn ra Liên hoan mà còn ủng hộ cả về vật chất đồng viện công tác tổ chức Liên hoan. Giải thưởng của Liên hoan cũng mang tính chất tượng trưng, động viên khích lệ các thanh đồng diễn xướng di sản chứ với mỗi thanh đồng được nhận giải là một khăn phủ điện…

TS Lê Thị Minh Lý nhìn nhận, sự tham gia mang tính chủ động, độc lập của cộng đồng thực hành di sản chính là sức sống khẳng định giá trị của di sản. Quả thực, có những buổi diễn xướng dù mưa nặng hạt nhưng công chúng vẫn đứng chật cứng Phủ Thượng Đoạn, quận Hải An, Thành phố Hải Phòng để xem trình diễn di sản độc đáo này. Dẫu còn có những góc nhìn khác nhau về loại hình diễn xướng mang tính tôn giáo tín ngưỡng này nhưng không thể phủ nhận diễn xướng Chầu văn có sức sống riêng mãnh liệt, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hóa cũng như cộng đồng thực hành di sản, công chúng. Thậm chí GS.TS Ngô Đức Thịnh còn quả quyết, đây là sự kết hợp giữa niềm tin tín ngưỡng với ý thức lịch sử, ý thức xã hội, tạo nên tình cảm yêu nước đã được linh thiêng hóa.

Tại Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các cung văn đến từ Hà Tĩnh, Thái Bình, Hà Nội và 15 giải thưởng cho các thanh đồng đã tham gia diễn xướng. Đánh giá về Liên hoan, nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Liên hiệp các Hội UNESCO VN khẳng định: “Liên hoan cho thấy hoạt động diễn xướng này đã và đang có sự kế tục, gìn giữ di sản của các thế hệ thanh đồng, cung văn thực hành di sản”./.

Theo: baovanhoa.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com