Giáo dục truyền thống qua hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở Hải Hậu

07:04, 19/04/2012

Huyện Hải Hậu là một trong những địa phương có hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống sớm nhất của cả nước. Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng (1976), Bảo tàng Hải Hậu đã khẳng định được ưu thế và phát huy vai trò trong đời sống xã hội, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị và công tác giáo dục truyền thống của địa phương.

Nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng huyện Hải Hậu.
Nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng huyện Hải Hậu.

Bảo tàng Hải Hậu mang đường nét kiến trúc của một ngôi đình cổ, gồm 5 phòng trưng bày: Phòng 1 là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về quá trình hình thành mảnh đất và con người Hải Hậu, phong trào cách mạng của huyện thời kỳ 1930-1951. Phòng 2 trưng bày hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Pháp thời kỳ 1952-1954 và kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu bảo vệ quê hương phát triển sản xuất chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Phòng 3 trưng bày hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm huyện Hải Hậu. Phòng 4 là các tài liệu thể hiện sự phát triển kinh tế của huyện. Phòng 5 trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật về các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân Hải Hậu. Mỗi phòng trưng bày đều khai thác các hiện vật gốc, thể hiện tính khoa học, tính thẩm mỹ, làm nổi bật truyền thống và những nét bản sắc riêng của mảnh đất, con người Hải Hậu. Mỗi người khi đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại bảo tàng đều cảm nhận được dòng chảy xuyên suốt của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại; được bồi đắp, khơi dậy niềm tự hào, trân trọng những thành quả của cha ông để lại. Mặc dù là vùng đất mới hình thành, kể từ khi “tứ tính, cửu tộc” đặt chân đến khai khẩn tới nay mới khoảng 500 năm, song các thế hệ nhân dân Hải Hậu đã dày công vun đắp nên những truyền thống tốt đẹp; truyền thống đoàn kết để quai đê, lấn biển, làm thuỷ lợi, mở mang đồng ruộng, xóm làng; truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm; truyền thống năng động, ham học hỏi; truyền thống văn hoá đậm đà sắc thái địa phương… Có thể thấy rõ điều này qua nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng như: Văn bản, sách lịch sử của mảnh đất Quần Anh xưa, công trình cầu Ngói, chùa Lương, đền Tứ tổ; sản phẩm tơ tằm nổi tiếng ở chợ Lương; một số hiện vật thường dùng trong gia đình của người dân Hải Hậu trước đây; sa bàn về chiến thắng Ngòi Cau, chiến thắng Đông Biên thời kỳ chống Pháp; ảnh nữ dân quân du kích kéo xác máy bay bị bắn rơi trên địa bàn xã Hải Thịnh những năm chống Mỹ; hình ảnh về sự phát triển kinh tế đa dạng của Hải Hậu với đặc sản tám thơm trong nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống, ngư nghiệp, diêm nghiệp, du lịch. Riêng phần trưng bày về truyền thống văn hoá và các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá hiện nay, Bảo tàng Hải Hậu đã thể hiện đậm nét, tạo điểm nhấn bằng những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu… Qua đó, người xem có được cái nhìn toàn diện về mảnh đất Quần Anh xưa từng được vua Lê Hồng Thuận ban 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” và Hải Hậu hôm nay với hơn 30 năm liên tục là huyện điển hình văn hoá cấp huyện của cả nước. Qua thời gian hoạt động, Bảo tàng Hải Hậu không ngừng hoàn thiện hệ thống trưng bày; sưu tầm, bổ sung thêm tài liệu, hiện vật, làm cho các phần trưng bày ngày càng phong phú. Đến nay, Bảo tàng Hải Hậu đã có gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Số người tham quan, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng ngày càng tăng.

Cùng với bảo tàng huyện, Hải Hậu còn có hệ thống nhà truyền thống tại các xã từ khá sớm. Nhà truyền thống xã Hải Trung được xây dựng từ những năm 1960, là nhà truyền thống cấp xã đầu tiên của huyện và miền Bắc, trưng bày về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hoá của xã tại ngôi đình xã duy nhất trong huyện còn nguyên trạng. Nhà truyền thống xã Hải Anh được hình thành trên cơ sở tổ chức trưng bày những tài liệu, hiện vật phản ánh truyền thống lịch sử, văn hoá của xã tại đền thờ Thuỷ tổ khai sáng từ năm 1976. Trong những năm 1980, đã có lúc nhà truyền thống xã Hải Anh trưng bày tới 1.700 tài liệu, hiện vật. Ngoài ra, nhà truyền thống của các xã Hải Phú, Hải Quang, Thị trấn Thịnh Long cũng là những “cuốn sử” sinh động bằng hiện vật, phản ánh quá trình đấu tranh cách mạng ở địa phương. Trong nội dung trưng bày, ngoài bố cục thường thấy gồm 3 phần: giới thiệu về cảnh quan, địa lý, thổ nhưỡng; lịch sử trước cách mạng; lịch sử cách mạng, các nhà truyền thống đã nêu bật những sự kiện tiêu biểu, những nét đặc sắc về văn hoá - xã hội của địa phương. Tại nhà truyền thống các xã, hằng năm vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh do cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử, văn hoá của xã đảm nhiệm. Bằng những hoạt động thiết thực, bảo tàng huyện và nhà truyền thống các xã của huyện Hải Hậu đã góp phần đắc lực trong công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về quê hương.

Tuy nhiên, các hoạt động khai thác các giá trị của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở Hải Hậu ít đổi mới, nặng về “định kỳ” các dịp lễ kỷ niệm nên chưa thu hút người xem. Để thiết chế văn hoá này tiếp tục phát huy vai trò, ưu thế trong đời sống, ngoài việc đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, các cơ quan chức năng của huyện cần tìm tòi, sáng tạo những biện pháp nhằm tăng tính hấp dẫn của hoạt động bảo tàng như: kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu, học tập tại bảo tàng, nhà truyền thống với việc tham quan các di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng của địa phương như: cầu Ngói - chùa Lương; đài chiến thắng, bia căm thù ở các xã: Hải Hưng, Hải Lý, Hải Anh, Hải Trung, Hải Chính…, nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu - người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương… Bên cạnh đó cần đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức, nói chuyện truyền thống, thi đọc sách, tìm hiểu lịch sử quê hương; tổ chức sinh hoạt CLB, hội thảo về chủ đề truyền thống; trồng cây tưởng niệm tại đền liệt sỹ và các di tích cách mạng./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com