Từ bao đời nay, cây đòn gánh đã hiện diện trong đời sống lao động và sinh hoạt của người dân quê. Hình ảnh cây đòn gánh cong cong, oằn nặng trên vai những người nông dân cần cù, một nắng hai sương chịu thương chịu khó đã in sâu vào tâm thức bao người...
Đòn gánh được làm từ đoạn giữa của một cây tre già, với chiều dài trên một mét. Hai đầu đòn gánh đều có mấu để giữ hai chiếc quang (hay còn gọi là gióng) làm bằng cật tre hoặc mây già, bọc da trâu cho bền. Làm đòn gánh đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật, bởi nếu đòn gánh cứng quá thì gánh mau đau vai, mềm quá thì có cảm giác nặng hoặc dễ gãy. Đòn gánh với độ cong, độ cứng phù hợp sẽ “kĩu cà, kĩu kịt”, nhún nhảy trên vai những người lao động. Cây đòn gánh nào khi mới làm xong cũng đều rất thẳng. Trải qua một thời gian, đòn gánh cứ cong dần do chịu lực, do những bước chân nhún nhảy như sóng của người nông dân...
Với tôi, kỷ niệm về cây đòn gánh còn in sâu trong ký ức là những lần theo mẹ đi chợ làng, khi đó tôi chừng năm, sáu tuổi. Buổi sớm, mẹ xúc đầy hai thúng thóc, đặt vào quang rồi kĩu kịt gánh ra đường. Tôi lon ton chạy theo sau, nhảy chân sáo bên những bước chân nhún nhảy của mẹ. Khi đã bán thóc xong, mẹ mua những đồ dùng cần thiết cho gia đình, bỏ cả vào một thúng. Còn thúng kia thì mẹ đặt tôi ngồi vào rồi quẩy gánh ra về. Tôi ngồi trong thúng, một tay cầm miếng bánh đa, một tay xoay xoay con tò he mà thích thú với cảm giác chơi vơi, bềnh bồng. Nghĩ lại thương mẹ buổi chợ quê thóc rẻ, mẹ chẳng mua được nhiều nên mẹ phải cho vào thúng một vài hòn đá để giữ thăng bằng, dễ gánh hơn...
Rồi lớn dần lên, tôi nhận ra cây đòn gánh còn giúp con người trăm nghìn công việc khác nữa. Cây đòn gánh cùng với đôi quang giúp cha đưa mạ ra đồng, giúp mẹ bón phân chuồng cho lúa, giúp anh mang đất bãi về bỏ xung quanh những gốc cây trong vườn... Chiều chiều, các cô gái trong làng lại quẩy đôi thùng ra bờ sông gánh nước. Cây đòn gánh cong cong nhún nhảy giữa tiếng cười nói trong trẻo chia nhau khuất vào từng ngõ xóm, để lại hai hàng nước rơi dọc con đường nhỏ đã nhẵn mòn dấu chân năm tháng đi về...
Tụi trẻ con chúng tôi cũng có loại đòn gánh của riêng mình. Đó là những cây đòn gánh loại nhỏ và ngắn hơn, tuỳ thuộc vào tầm vóc của mỗi đứa. Chiều chiều, đòn gánh giúp chúng tôi đi thả lờ đặt đó ngoài cánh đồng, đầm bãi. Rồi sáng mai thức dậy, nhấc vội cây đòn gánh dựng ở đầu nhà, í ới gọi nhau chạy ra đồng. Cây đòn gánh lúc trở về không nhẹ bẫng, tung tẩy nữa mà cũng kĩu kịt, đầm chắc trên vai bởi mỗi chiếc lờ đã lưng lửng cá tôm hay cua cáy...
Giờ đây, đã có nhiều phương tiện giúp người nông dân đỡ nhọc nhằn hơn, song nhiều công việc đồng áng vẫn phải dùng đến cây đòn gánh. Và chắc rằng bao giờ còn người lặn lội đầu sông cuối bãi thì còn cây đòn gánh cong cong thân thiết ở bên mình...
Trần Văn Lợi