Bảo tồn giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa

03:04, 12/04/2012

Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tuy nhiên, quá trình phát huy di sản trong cuộc sống hôm nay đang có nhiều vấn đề cần chú ý, mà nổi lên trong đó là phải bảo tồn được cái gốc của di sản.

Qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với những giá trị đặc sắc. Đến nay đã có 3.125 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 15 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia đứng đầu khu vực Đông - Nam Á về số lượng di sản văn hóa thế giới. Hầu hết di tích ở nước ta được làm bằng gỗ, tồn tại trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, nhiều côn trùng, mối mọt phá hại... cho nên đa số di tích đã xuống cấp, cần phải được tu bổ. Vì thế, những năm gần đây, nguồn đầu tư kinh phí để tu bổ di tích có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh ngân sách Nhà nước còn có nguồn tài trợ từ nước ngoài và nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, đóng góp sức người, sức của của nhân dân qua hình thức "công đức"...

Một cảnh trong vở chèo "Thoại Khanh - Châu Tuấn" do học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định) biểu diễn trong khuôn khổ Dự án sân khấu học đường. Ảnh: Phi long
Một cảnh trong vở chèo "Thoại Khanh - Châu Tuấn" do học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định) biểu diễn trong khuôn khổ Dự án sân khấu học đường. Ảnh: Phi Long

Hiện nay, sự phát triển của ngành du lịch và việc quảng bá văn hóa dân tộc trở thành yếu tố quan trọng giúp tăng nguồn thu từ di tích để tái đầu tư. Do đó, một vấn đề lớn đang đặt ra là sử dụng nguồn kinh phí để tu bổ di tích như thế nào cho có hiệu quả và chất lượng chuyên môn. Trước đây đã xảy ra tình trạng ở một số di tích khi có tiền là sơn phết mới lòe loẹt các bức tượng, hoặc xây tường xi-măng thay vào những bức tường cổ rêu phong. Rồi tình trạng xâm hại di tích tùy tiện tu sửa không xin phép cơ quan quản lý đã phá vỡ yếu tố nguyên gốc, một số đơn vị thực hiện công đức vừa gây lãng phí vừa làm tổn hại đến giá trị của di tích. Bên cạnh đó, hiện tượng tu bổ tôn tạo một số di tích thiếu cơ sở khoa học, chưa tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, xâm phạm đến những giá trị nguyên gốc của di tích.

Trên thực tế, không chỉ về ý nghĩa lịch sử, giá trị nguyên gốc của di tích phụ thuộc rất nhiều vào cảnh quan môi trường. Quá trình đô thị hóa ở khu vực chung quanh di tích và việc vi phạm di tích đã làm mất đi phần nào giá trị nguyên gốc. Tổ chức lễ hội xô bồ, xả rác bừa bãi, đốt vàng mã vô tội vạ không chỉ làm lu mờ giá trị của lễ hội truyền thống còn làm tổn hại đến cảnh quan di tích. Việc gắn kết với du lịch để có thêm nguồn kinh phí tái đầu tư là cần thiết, nhưng cũng dễ phá vỡ cảnh quan môi trường do các hàng quán, dịch vụ mở ra nhiều nếu không quy hoạch, và không quản lý tốt sẽ làm mất cảnh quan. Cụ thể như: trước chùa Hương, nơi thờ cúng chay tịnh lại có quán ăn lớn treo lủng lẳng đùi bò, đùi nai, thịt sống, trông rất phản cảm tồn tại từ bao nhiêu năm nay mà không dẹp bỏ. Xét từ văn hóa và lịch sử, di tích càng nhiều yếu tố nguyên gốc càng có giá trị. Việc tu bổ chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh, được sự tài trợ của Chính phủ CHLB Đức, thật công phu, từng màu sơn của tượng, từng nét hoa văn trên đá, đến từng tầng tháp bằng gỗ được sửa sang tu bổ rất cẩn thận chu đáo cùng cảnh quan sân vườn, cây cối tĩnh mịch khiến cho mọi người tưởng chừng như đang đứng trước một ngôi chùa nguyên vẹn trước đây hàng mấy trăm năm.

Liên Hoa Bảo Tháp ở Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Internet
Liên Hoa Bảo Tháp ở Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Ảnh: Internet

Vấn đề bảo tồn giá trị nguyên gốc không chỉ đặt ra đối với văn hóa vật thể mà còn đối với văn hóa phi vật thể. Hát xoan là một trong những loại hình âm nhạc dân gian độc đáo, có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam, đây là loại hình dân ca nghi lễ xuất phát từ phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Theo GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thì: "Hát xoan là một hiện tượng đa trị (tức là nhiều giá trị khác nhau), có giá trị lịch sử, có giá trị văn hóa, có giá trị âm nhạc, có giá trị nghệ thuật múa, có giá trị cộng đồng. Hát xoan là một trong những giá trị không nhiều của di sản văn hóa mà tôi tin rằng nó ra đời từ thuở bình minh của đất nước mình". Ấy nhưng ngay sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đêm tôn vinh hát Xoan vừa qua lại thấy xen vào nhiều điệu múa chèo, làm lu mờ giá trị nguyên gốc, khiến có người phải gọi là "chèo hóa hát xoan". Còn ở Bắc Ninh, gần đây tổ chức cuộc liên hoan hát quan họ với sự kiện lập kỷ lục Việt Nam về nhiều người mặc trang phục dân tộc cùng hát quan họ nhất. Có ý kiến cho rằng đây là hình thức quảng bá cho quan họ có hiệu quả vì lôi cuốn được nhiều người tham gia; nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hát như thế là xa rời cái gốc của quan họ, vì quan họ không tồn tại một lúc với số đông người tham gia trên sân khấu. Ở Bắc Ninh, phong trào hát quan họ phát triển rộng khắp trong các cuộc liên hoan, đám cưới, mừng nhà mới... Đó là điều đáng mừng, nhưng cũng đáng lo, bởi một số bài hát được làm mới, lai tạp, sai lệch với cái gốc quan họ. 

Như vậy, muốn phát huy di sản văn hóa trong cuộc sống hôm nay, không có cách nào khác, phải dựa trên nền gốc của di sản. Như Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT và DL) Nguyễn Thế Hùng đã nói: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, hiện đại hóa về văn hóa và nước ta đang hội nhập nhanh với các nước trên thế giới, một vấn đề khó khăn khác hiện nay là làm sao giải quyết được một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển? Làm sao để huy động cộng đồng bảo tồn được những giá trị cốt lõi của di sản, đồng thời di sản vẫn được phát triển phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới và tồn tại được bền vững trong xã hội đương đại". Trong khi kinh phí tu bổ còn hạn hẹp, ngay cả khi di tích được tu bổ lớn cũng mới chủ yếu tập trung vào tu bổ các hạng mục quan trọng nhất mà chưa được đầu tư toàn diện thành sản phẩm du lịch cho hoàn chỉnh thì việc bảo tồn các yếu tố gốc cần được ưu tiên, tránh tình trạng có nơi nhà đang dột nát không sửa lại đi xây mới cái cổng thật "hoành tráng" để đón khách. Cần nhận thức rằng, đối với văn hóa dân tộc, giữ được yếu tố gốc của di sản mới có cơ sở để tìm ra hướng phát triển, và mất gốc là đẩy tới nguy cơ mất tất cả. Di sản văn hóa ví như viên ngọc quý mà ông cha để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, làm cho di sản có thể tồn tại một cách sinh động trong cuộc sống hiện đại.

Muốn vậy, để bảo tồn giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa, cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức về giá trị và ý thức bảo vệ di sản, đặc biệt là cộng đồng nơi có di sản. Khi người dân nhận thức rõ những giá trị của di sản thì họ sẵn sàng bảo vệ và hơn thế nữa, là đóng góp sức người, sức của tu bổ. Công việc này cần triển khai một cách thiết thực, có chiều sâu, có tác động tích cực đến ý thức bảo vệ di sản của thế hệ trẻ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Công tác sưu tầm, nghiên cứu có vai trò rất quan trọng, không những giúp cho việc tu bổ di tích không phạm sai lầm, không làm mất gốc mà còn nâng cao trình độ hiểu biết cho cộng đồng có di sản. Mọi việc tu bổ di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Di sản văn hóa, sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trong việc bảo tồn giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa phải dựa nhiều vào lực lượng người cao tuổi, những người hiểu rõ gốc gác, ngọn ngành di tích nơi mình đang sinh sống. Đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân cao tuổi là người trực tiếp nắm giữ vốn nghệ thuật của cha ông truyền lại (như: Trung tâm quan họ truyền thống đã tập hợp được nhiều nghệ nhân cao tuổi của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang vừa biểu diễn vừa truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu và lối chơi quan họ gốc. Các Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương cũng thu hút được nhiều nghệ nhân cao tuổi vừa tham gia biểu diễn vừa truyền dạy cho lớp trẻ...). Điều đáng nói là các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già, nhiều người đã mất, khiến cho nghệ thuật cổ truyền có nguy cơ mai một. Việc chăm lo đội ngũ nghệ nhân cao tuổi rất quan trọng để gìn giữ di sản văn hóa gốc. Chỉ có làm tốt việc bảo tồn giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa chúng ta mới có những bước đi tiếp theo để phát triển di sản trong cuộc sống đương đại, như cha ông đã từng răn dạy: "Gốc có bền chắc cây mới xanh tốt"./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com