Ý Yên là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề sơn quang Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống mà còn là những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá, kết tinh từ quá trình lao động, sáng tạo của người dân từ bao đời nay. Xã Yên Ninh có hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng là La Xuyên và Ninh Xá. Từ nghề truyền thống và định hướng quy hoạch phát triển CCN, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất ở Yên Ninh có điều kiện tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ và phát huy. Đình làng thôn Ninh Xá và La Xuyên cùng thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Vào đêm giao thừa, người dân làng nghề vẫn duy trì tục “lấy lửa đình” với mong muốn ngọn lửa từ đình làng sẽ mang đến điều may mắn, sung túc cho gia đình trong năm mới; thắp nén hương trong đêm tân xuân tỏ đạo “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị tổ nghề. Cũng như ở đất nghề Yên Ninh, “thương hiệu” đúc đồng Tống Xá đã nổi danh khắp cả nước về nghệ thuật đúc tinh xảo, độc đáo. Tống Xá là vùng đất cổ với hơn 1.200 năm lịch sử mở đất, lập thôn; được hình thành vào thế kỷ VIII do hai ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đem theo gia thất về đây khai hoang, vỡ đất, trồng cấy lập tang ấp có tên là Kiến Hoà, sau này đổi tên là làng Tống Xá. Vào năm 1118, nhà sư Nguyễn Trí Thành (pháp danh là Minh Không) về vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ, tìm hiểu dân tình thấy khí vượng, nhân hoà, đức hiền… rồi dạy dân làng nghề đúc, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng. Sau này, nghề đúc được mở mang, dân làng làm ăn thịnh vượng lập đền thờ tôn ngài là Đức Thánh Tổ, lấy ngày 12 tháng 2 âm lịch làm ngày giỗ hằng năm. Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá nhằm tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn, qua đó, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nhân dân trong làng đều tham gia đóng góp kinh phí, vật chất và ngày công trong việc tổ chức lễ hội. Không chỉ nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng nghề ở Ý Yên đã phát huy nét tài hoa của cha ông, tạo ra những sản phẩm độc đáo có giá trị nghệ thuật. Năm 2010, tỉnh ta có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” thì huyện Ý Yên có 3 người, đó là Dương Bá Dũng, nghệ nhân đúc đồng ở Thị trấn Lâm; Nguyễn Văn Đức, nghệ nhân đồ gỗ ở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh; Vũ Duy Thuấn, nghệ nhân đúc đồng ở Thị trấn Lâm. Họ không chỉ là người lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền dạy cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.
Nghệ nhân Dương Bá Dũng, Thị trấn Lâm (Ý Yên) truyền nghề, hướng dẫn kỹ thuật đúc đồng cho thế hệ trẻ. |
Huyện Ý Yên cũng là “cái nôi” của nghệ thuật chầu văn và hát xẩm gắn liền với tên tuổi của hai nghệ nhân Hà Thị Cầu, xã Yên Phú và cố nghệ nhân Đào Thị Sại, xã Yên Đồng. Bên cạnh các điệu dân ca, nghệ thuật ca trù, xẩm, Ý Yên cũng nổi tiếng với các làng chèo cổ. Từ đầu thế kỷ 19, nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên phát triển với các mô hình: chiếu chèo, gánh chèo, đội chèo, làng chèo. Trong đó, tại các làng chèo An Lại Hạ xã Yên Nhân, làng chèo Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong, những đội chèo, gánh chèo do các gia đình hoặc dòng tộc thành lập đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn mưu sinh, phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Theo thông lệ, vào các dịp lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu, các gánh chèo mở hội thi tài với ý nghĩa tưởng nhớ các vị tổ nghề, thành hoàng làng, các vị danh nhân, anh hùng dân tộc có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở các địa phương trong huyện đều thành lập các đội văn nghệ quần chúng, trong đó, nghệ thuật chèo và các nghệ nhân, diễn viên từ các gánh chèo là hạt nhân mang lời ca tiếng hát động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 tốp, đội văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Từ nhiều năm nay, Phòng Văn - Thể huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Tại các đất chèo cổ như Yên Phong, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Chính, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy hát chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện kết quả tích cực về công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá văn nghệ nói chung và công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc nói riêng ở huyện Ý Yên./.
Bài và ảnh: Việt Thắng