Cổng làng, bóng mẹ

01:03, 01/03/2012

Bây giờ cổng làng tôi không còn nữa, nhưng bóng dáng của nó luôn có ở trong tôi khi tôi nghĩ đến làng.

Cổng thôn Đông, tám mái gỗ lim, hai bức tường ngắn dày, gắn liền với lũy, coi như cổng chính của làng. Cái dáng kiến trúc này khớp với đình chùa lớn ở trong làng…

Cổng thôn Đoài xây bằng đá ong. Cổng có đường dốc thoai thoải ở hai phía trong ngoài. Trên đỉnh cổng có hai chữ nho đại tự: “Đoài môn” đắp nổi, màu mực xem ra đã bạc. Thân cổng lâu ngày đã nứt.

Hai bên trụ cổng có một đôi câu đối:

Đông Tây Nam Bắc do tư đạo
Nhật nguyệt tinh vân chiếu thử môn

Nghĩa là:

Đông, Tây, Nam, Bắc đều từ con đường này
Mặt trời, mặt trăng, sao mây đều soi cổng này

Cái cổng thôn Đoài ấy rêu phủ từ chân cổng cho đến nóc. Màu đá ong, màu rêu xanh, những vết nứt in mốc thời gian năm tháng đã đi qua. Những hạt đa, hạt sung chim ăn rồi thải ra mọc lên trên nóc cổng như những cây thế bon-sai, thân gầy và dung dị. Dòng khẩu hiệu trên mảng tường vôi từ hồi kháng chiến chống Pháp “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, chỗ còn chỗ mất gợi biết bao kỷ biệm thời rào làng kháng chiến.

Cổng làng lưu giữ nhiều kỷ niệm của những năm tháng đi học, đi chăn trâu qua dưới vòm cổng cổ kính, dân giã… Tiếng tre vi vút. Chim hót trên tầng cây gạo đỏ chói ở trước cổng không xa… Tiếng con sáo vang rộn ràng, chim tu hú da diết, lại cả tiếng quạ thảng thốt. Trong những buổi mùa đông lạnh, gió thổi bay cả lớp lông trắng của chúng, thả một vài cái vào trong gió…

Những buổi trưa oi nồng, ngồi đâu cũng nóng, bọn trẻ chúng tôi đánh trâu đi chăn sớm, tụ họp dưới bóng đa, bóng gạo trước cổng làng để câu cá rô bên những chòm ao mát bóng tre, hay họp một bàn đáo, đập xu vào những hòn đá lớn dưới chân cổng…

Làng tôi có bốn thôn: Thôn Đông, thôn Đoài, thôn Cẩm Đông và thôn Cẩm Đoài. Mỗi thôn có một cổng để đi ra bốn hướng, ra đồng cày cấy, làm mùa.

Cổng làng như có hồn. Tôi đã từng thấy những đám cưới con gái làng lấy chồng thiên hạ, cứ bước chân qua cổng làng là nước mắt giàn giụa, phải ôm lấy cô phù dâu, dựa vào họ mới bước qua được thềm cổng. Tôi cũng từng thấy một Việt kiều từ Mỹ trở về, khi đến trước cổng làng thì sững lại, bần thần hồi lâu. Chiếc va ly sang trọng đặt dưới đất, ông ta cứ nhìn khắp thân cổng, rồi không đừng được tiến lên sờ cả vào cái vết nứt ở thân tường, lấy tay bứt một cây dương xỉ mọc trên kẽ tường cổng, cài lên ngực áo, ngập ngừng mãi sau mới vào làng được…

Tôi cũng có một lần đi công tác xa. Đáng lẽ phải đi qua cổng thôn Đông, nhưng tôi lại thích qua cổng thôn Đoài, xóm có ngôi nhà của tôi, có chú, bác, cô, dì, anh em ruột thịt… Và lúc đến gần chiếc cổng đá ong giản dị ấy, tôi muốn khóc. Chiếc cổng làng vẫn im lặng, mà sao thân thiết như dáng mẹ tôi vừa đứng đầu ngõ tiễn con… Cái vẻ rêu phong, tường đất kia có khác gì cái dáng mẹ tôi với chiếc áo bông sờn, vừa tự hào có đứa con trưởng thành, lại vừa có nỗi lo toan âm thầm của lòng mẹ, trước những chặng đường mới của con mình.

Đúng là cổng làng, có hồn có vía… Bây giờ cổng làng tôi… đã bị phá, xóa hết cả dấu vết, nhưng cứ nhắm mắt lại là tôi lại hình dung ra được cả cái dáng, cái hình, những vết nứt, khẩu hiệu trên tường vôi cũ, như mẹ tôi đã mất, nhưng có bao giờ tôi quên được hình bóng mẹ đâu!

Theo: kienthucngaynay.info



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com