Làng có một dòng sông. Dòng sông bên lở bên bồi. Con sông bao quanh ba phía của làng, vì vậy người làng có việc muốn đi đâu đó, phần nhiều phải sang bên kia sông. Bến đò và những con đò đã bắt đầu vì thế.
Bến đò nằm dưới một gốc si già, thân đổ nghiêng xuống dòng trôi. Bộ rễ si bò loằn ngoằn trên mặt đất, tựa hàng ngàn con rắn lớn nhỏ. Người làng đồn rằng cây si thiêng lắm. Phàm những cây cổ đều thiêng, vì nó tụ linh khí đất trời, chứng kiến bao thân phận đời người.
Người lớn muốn tin sự linh thiêng của cây si bến đò thế nào cũng mặc, trẻ con trong làng ngày nào cũng túm tụm dưới gốc si, leo trèo lên thân si hái quả, ném nhau, hay nhảy từ cành si xuống tắm dòng trôi mát lạnh, hoặc ngóng bà, ngóng mẹ về từ bên kia sông mỗi cuối chợ chiều.
Ảnh minh họa/Internet. |
Khi tôi là một trong những đứa trẻ đợi đò dưới gốc si, thì con đò đã hoang hoải màu xưa cũ, thân đò đen mun, rêu vờn mặt nước. Con đò lừ lữ qua sông biết bao nhiêu bận trong một ngày trôi đó dường như đã già nua mốc thếch như cây si. Nó cũng già lắm và biết nhiều lắm. Nó đã từng chứng kiến bao trai gái làng xuống bến tiễn chân nhau, bao đám rước dâu pháo đỏ rượu hồng, bao người ra đi, bao người trở lại. Có biết bao người làng đã từng ngồi dưới gốc si uống bát chè xanh, hút điếu thuốc lào hay nhâm nhi một thanh kẹo lạc trong lúc đợi đò.
Tôi nhớ mãi trong lòng hình bóng hai cha con ông lão lái đò. Ông lão gầy yếu, hom hem lắm, mà lại rất hay mỉm cười. Nghe người làng nói cha con ông chính không phải là người trong làng. Vào một ngày nào đó, ông lão dắt con gái nhỏ đến bến đò này neo đậu, rồi thành người lái đò chở khách sang sông. Con sông chảy qua làng từ thời tiền sử, ngôi làng của tôi thì chỉ mới trên dưới trăm năm, nhưng không biết tại sao bao đời người lái đò đều không phải người làng, họ từ đâu đó đến, rồi lại từ đó đi đâu, không ai quan tâm ghi nhớ.
Ông lái đò của tôi già yếu, rất hay mỉm cười và có một cô con gái đẹp. Với tôi khi tôi còn nhỏ, một cô gái tóc dài thả ngang lưng, mắt buồn và mi cong, như thế là rất đẹp rồi. Cô gái lái đò sang sông, thường không mấy khi cất tiếng nói. Nhưng mỗi khi cô nói, có biết bao người chăm chú nhìn cô.
Họ làm việc không ngơi nghỉ, dẫu tinh mơ sương sớm hay nửa đêm giá lạnh mưa tuôn, hễ có người gọi đò là họ đón. Thế mà họ vẫn nghèo, gia tài chẳng có gì ngoài một mái nhà tranh chênh vênh bên bờ nước, một quầy hàng quà nhỏ và con đò cũ.
Tôi vẫn nhớ khi đứng trên bờ sông đón đò cập bến, lắng tai nghe tiếng mái chèo khua nước như tiếng cười khúc khích của dòng sông. Sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền, đẩy nước dềnh lên cát. Tôi thích ngắm vẻ mặt của những người làng tôi từ đâu đó trở về, họ thường vui vẻ bước khỏi thuyền, nhanh nhanh lên khỏi bến. Thi thoảng có người nơi khác đến, một chút ngập ngừng, bỡ ngỡ trước cây si. Tôi thích ngắm ông lái đò hay mỉm cười trước quầy hàng nho nhỏ, tựa ông Bụt hiền trong cổ tích. Tôi thích ngóng cô lái đò mắt buồn và mi cong. Tôi thích nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng những bà mẹ xuống đò gọi con trong đám trẻ đang mải hò hét inh ỏi với trò chơi chiến trận trở về. Tiếng gió lùa trong những vòm tre bên bờ sông xào xạc…
Bỗng một hôm có một cây cầu mọc lên giữa đôi bờ, cách xa bến đò một đoạn. Cây cầu bê tông có thanh vịn bằng sắt sơn trắng, kiêu kỳ trông người làng tôi và những người làng bên nối nhau qua. Từ ngày có cây cầu, người ta không đi đò nữa, họ bảo con đò cũ quá, nhỡ giữa dòng nó đắm thì tai vạ.
Có bao nhiêu đám cưới đã qua cầu.
Bến đò hiu hắt vắng, con đò lặng im neo dưới gốc si già. Cỏ lan dày mặt đất.
Tôi không biết từ khi có cây cầu, cha con ông lái đò đã đi đâu. Khi đó tôi còn nhỏ để vô tâm đến thế. Có thể ông lão lái đò mất vào một ngày đã xa. Có thể cô lái đò của tôi cũng đã lấy chồng.
Một ngày khác, tôi lớn lên và chia tay làng lên phố. Một ngày khác, tôi trở về làng qua cây cầu bê tông mà không nhiều nghĩ ngợi. Rồi qua bến đò xưa, chợt nhận ra không còn bóng si già nghiêng nghiêng mặt nước. Dưới bến sông cỏ đã ken dày. Ai đó nói, không phải là mơ, thi thoảng trong đêm vẫn vọng nghe những tiếng gọi đò.
Tôi qua bến đò xưa, thấy lòng thương nhớ./.
Theo: qdnd.vn