Đầu Xuân này cả nhà tôi mới có dịp về thăm quê, chân vừa chạm thềm hè, ngoại đã giục, con cất đồ đạc rồi bà cháu mình ra đình thắp hương nhé.
Đình đây rồi. Nhưng sao lạ quá ngoại ơi!. “Mấy năm vừa rồi, con cháu trong làng đi xa làm ăn phát đạt rồi về làng công đức xây dựng lại Đình cho khang trang, nhưng tiếc là dấu tích xưa đã không còn giữ lại được” - ngoại giải thích rồi nén tiếng thở dài nuối tiếc.
Ảnh minh họa/ Internet |
Đình làng tôi cuối cùng cũng giống như bao ngôi đình ở các làng quê đang trên đà “xã hội hóa”. Những hàng mái ngói thâm nâu cổ kính, những cây cột gỗ bóng màu thời gian hay những xà, những đố, những bức chạm khắc tuyệt tác... giờ chỉ còn chìm trong ký ức của những người già và sự lạ lẫm của người trẻ. Đình bây giờ đã đẹp hơn, khang trang hơn nhưng bê tông cốt thép cũng nhiều hơn. Tường bao quanh đình cũng không phải là những hàng rào dâm bụt xanh mát, những bụi tre, khóm trúc đung đưa đổ bóng xuống ao làng, là nơi chim chóc muôn phương tìm về làm tổ... mà sừng sững những bức bê tông xám xịt, lạnh lùng khiến không gian đình bỗng dưng giống như một nhà văn hóa của xã - lạ mà quen, quen mà lạ.
Đình, chùa ngày càng khang trang hơn đó là kết quả của sự phát triển kinh tế. Người ta làm ăn ngày càng phát đạt thì càng có điều kiện để công đức xây dựng lại đình, lại chùa to đẹp hơn bởi đó chính là chốn linh thiêng trong trái tim của những người con xa quê. Mừng vì những ngôi đình làng giờ đây không phải oằn mình chống chọi khi bão về, chùa không còn cảnh hễ mưa là phải lấy nón đội nón cho tượng... Nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi bởi giờ đây, trên mỗi làng quê đất Việt đang dần ít đi những ngôi đình, chùa ẩn hiện giữa tùng lâm cổ thụ, nơi mà nét cổ kính rêu phong hằn lên từng viên gạch, xà ngang, cột chống...
Tôi theo ngoại vào đình. Trong khói hương huyền ảo, quá khứ, hiện tại cứ hòa quện, đan xen chợt thấy mình như thực như mơ... cái ngày lũ trẻ trâu chúng tôi cứ tối tối, khi trăng non vừa nhú lên khỏi ngọn tre, là tụ hết ở sân đình với đủ trò con trẻ... Ngoại đứng bên cạnh, thành kính chắp tay cầu xin Đức Thánh thần ban những điều an lành, hạnh phúc cho con cháu, xin cho xóm làng mãi là bến đỗ bình yên để người xa quê muôn nơi tìm về... Hình như, chỉ có chốn không gian này, ngoại mới được trải hết lòng mình, thư thái và bình an.
Đón chén nụ vối ấm nóng từ tay cụ thủ từ, tôi xuýt xoa: Cụ hình như đã già đi nhiều. Cụ cười, nụ cười như méo mó trong cái lạnh se sắt của ngày đông. Người ta cứ bảo thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng ta lại thấy, thời gian đang đồng lõa với con người đào sâu khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. Muốn trở lại ngày xưa ư, dễ ai mà vượt qua được cái ranh giới ấy?
Tôi chưa hiểu lắm cái ý tứ của cụ thủ từ, nhưng cũng lờ mờ nhận ra ánh mắt mờ đục đang dõi vào khoảng không như muốn lục tìm lại quá khứ... Nghe ngoại kể, cái ngày xây lại ngôi đình mới, cụ đôn đáo hết chỗ này đến chỗ kia để can người ta đừng phá dỡ không gian kiến trúc của ngôi đình xưa... mọi thứ vẫn còn tốt lắm, nếu có, chỉ cần đảo lại hàng ngói, trát lại bức tường hay tôn cao sân đình cho nước mưa khỏi ngập... Vậy mà, người ta đã không làm vậy. Ai cũng khăng khăng phải làm đàng hoàng hơn, to đẹp hơn vì ngôi đình chính là bộ mặt của làng, thể hiện được sự sung túc, giàu sang của con cháu trong làng... Họ đã làm vậy mà không hoài đến những kiến trúc nghệ thuật nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng có chiều sâu trí tuệ, giá trị tư tưởng ẩn chứa bên trong.
Tàn tuần hương, bà cháu tôi chào cụ thủ từ ra về, nhưng không thấy cụ hồi đáp. Kéo tay tôi ra ngoài, ngoại bảo, hoài niệm cũng là một cách để người ta thấy tâm hồn đỡ trống trải con ạ, với cụ thủ từ, đình làng gắn bó, thiêng liêng hơn cả ngôi nhà. Cuộc sống không có gì là bất biến, ngoại chỉ tiếc một điều, giá như ngày trước về thăm, chụp được một tấm ảnh để lưu giữ lại dấu đình xưa thì giờ không còn nhiều nuối tiếc...
Hoài Nam