Nét đẹp văn hóa dân gian trong các lễ hội đầu xuân ở Nam Trực

05:02, 04/02/2012

Với nhiều di tích lịch sử văn hóa và hệ thống đền, miếu đậm đặc ở các làng quê, huyện Nam Trực hiện đang lưu giữ nhiều hoạt động văn hóa dân gian cổ truyền tại các lễ hội. Tiêu biểu cho nét văn hóa dân gian trong lễ hội đầu xuân là chợ Viềng. Yếu tố tạo nên nét đẹp văn hóa dân gian cho chợ Viềng Nam Trực chính là các mặt hàng đồ cổ xuất phát từ các làng nghề của trấn Sơn Nam Hạ xưa. Đó là những chiếc lư đồng, mâm đồng, nồi đồng, đến những bộ tách chén, bát đĩa, ngai, ỷ… Năm nào, khu vực bán đồ cổ cũng trở thành nơi thu hút đông khách nhất. Bên cạnh đó, chợ Viềng Xuân còn là phiên chợ cầu may; người dân đi chợ mua lấy may, bán lấy may, thể hiện nét văn hóa nhân văn và ước nguyện của người dân về một năm mới với những điều tốt lành. Cùng với đi chợ cầu may, khách còn đi lễ tại các khu di tích lịch sử văn hóa quanh đó như chùa Đại Bi thờ vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh, đền Giáp Tư thờ Ngọc Hoa Công chúa thời Lý, đền Giáp Ba thờ Triệu Quang Phục, đình thờ lục vị tổ nghề rèn có ống pháo lệnh và những cây đèn lưỡng long chầu nguyệt, đèn cửu diện, đèn nhị thập bát tú… tất cả đều bằng sắt, chế tác bằng phương pháp thủ công, thể hiện tài hoa, trí tuệ của người dân đất nghề từ xa xưa. Các di tích lịch sử văn hóa liền kề, đan xen nhau, cùng với chợ Viềng tạo thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút khách thập phương trong những ngày đầu xuân. Chợ Viềng Nam Trực còn là một “bức tranh” văn hóa dân gian đầu xuân với các sản phẩm được bày bán tại chợ là cây cảnh, thịt bò, đồ gia dụng và nông cụ phục vụ sản xuất.

Múa rối nước trong Lễ hội làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Việt Thắng
Múa rối nước trong Lễ hội làng Bàn Thạch,
xã Hồng Quang (Nam Trực).
Ảnh: Việt Thắng

Trong các lễ hội của huyện Nam Trực, ngoài phần lễ, phần hội với các đám rước, các trò diễn xướng dân gian, các bộ môn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian gắn với đặc điểm của từng vùng quê. Vào các ngày từ 20 đến 24 tháng Giêng hằng năm, nhân dân quanh vùng lại mở hội chùa Đại Bi (Nam Giang) để tưởng nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong lễ hội có rước thỉnh kinh, lễ Phật và các trò chơi dân gian như cờ người, đấu vật, múa rồng, hát chèo và nghệ thuật hát rối đầu gỗ. Lễ hội đền Đông, xã Tân Thịnh được tổ chức vào 21-3 âm lịch hằng năm kỷ niệm ngày mất của Tiến sĩ Đặng Phi Hiển. Trong ngày hội có tổ chức hát chèo, hát ca trù và nhiều trò chơi dân gian như cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, bịt mắt bắt dê. Đặc biệt, tục thổi cơm thi với sự tham gia của cả sáu giáp trong làng, mỗi giáp cử người đại diện trong trang phục truyền thống; giáp nào cơm chín trước là thắng cuộc và được làm chủ tế trong năm. Đây là một tập tục truyền thống được nhân dân trong làng gìn giữ từ bao đời nay. Lễ hội đền Đá (xã Tân Thịnh) tổ chức vào ngày mùng 3-3 âm lịch. Vào ngày mở hội diễn ra nhiều cuộc thi: làm oản, làm bánh để lễ Thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và các trò chơi dân gian như múa gậy, múa rồng, đấu vật, kéo co, đấu roi…, phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc. Lễ hội đền Din (xã Nam Dương) được tổ chức vào 8-10 tháng Chạp, trong lễ hội có rước cỗ, kiệu của 4 thôn, tổ chức thi nấu cỗ, thi bánh dầy và các hoạt động văn hóa thể thao như đấu vật, chọi gà, đánh cờ... Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa dân gian cổ truyền như biểu diễn múa rối nước trong lễ hội thôn Nhất (Nam Giang), tổ tôm điếm trong lễ hội làng Nam Trực (Nam Tiến), thi lợn, bánh chưng, bánh dày trong lễ hội đền Giáp Ba thờ Triệu Quang Phục được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm, tổ tôm điếm, hát chèo, ca trù tại lễ hội chùa Cổ Ra (Nam Hùng) tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng…

Các lễ hội được mở ra góp phần bảo lưu, gìn giữ, phục hồi các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có sức lôi cuốn đông đảo người dân tham gia, thể hiện ý chí cộng đồng hướng về truyền thống, nguồn cội, nhắc nhở các thế hệ người dân giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn, tôn thờ người có công với dân với nước. Cùng với lễ hội, các trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục, phát triển, bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe còn thể hiện sự khéo léo của người nông dân, góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đó cũng là những sinh hoạt văn hóa dân gian mang nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống, đem lại không khí vui nhộn, lành mạnh cho cộng đồng trong những ngày đầu xuân...

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com