Vui tết

09:01, 18/01/2012

Đã đến lúc cần thay đổi tục “ăn tết” sang “vui tết” vì nhân dân ta ngày nay không còn cảnh “no ba ngày tết” nữa, mà đã đủ ăn đủ mặc; một bộ phận không nhỏ đã ăn ngon mặc đẹp. “Vui tết” cũng phù hợp với thời đại, bởi con người hiện đại thì phải cân bằng đời sống vật chất với đời sống văn hoá - tinh thần. Tết là dịp để nghỉ ngơi, chúc tết ông bà cha mẹ, thăm thú quê hương, bạn bè và vui chơi, giải trí, không phải quá bận rộn lo chuyện ăn uống trong dịp tết, nhất là đối với phụ nữ, dành thì giờ cho mọi người trong gia đình cùng được thụ hưởng cảnh đón tết vui xuân đầm ấm, vui vẻ sau một năm lao động, công tác, học tập vất vả. Những gia đình khá giả còn là dịp đi du lịch trong nước, ngoài nước.

Để “vui tết”, cùng với từng gia đình phải thay đổi phong tục tết, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân “vui tết”. Vui tết nhưng vẫn phải có các món ăn truyền thống ngày tết của dân tộc, như bánh chưng, giò chả, nem mọc, măng miến… mà trước đây từng gia đình phải tự lo là chính. Nay ở thành phố, đã có các cơ sở chuyên doanh các món ăn này cung cấp cho người dân, nhưng ở nông thôn, thì nhân dân vẫn còn tự làm lấy là chính, nên cần khuyến khích các hợp tác xã hoặc các làng nghề làm và cung cấp cho nhân dân nguyên liệu làm các món ăn đó để nhân dân tự làm lấy, như lá dong để gói bánh chưng chẳng hạn. Tết cũng là dịp thể hiện tấm lòng thơm thảo giúp đỡ nhau để ai cũng có tết. Đặc biệt trong công nhân, viên chức, lao động, thưởng tết công bằng, hợp lý vừa đem lại niềm vui tinh thần, vừa là khoản tiền đáng kể để chi dùng tết. Công đoàn cần cùng cơ quan chức năng nhà nước có biện pháp khắc phục tình trạng quá chênh lệch hàng mấy chục lần, thậm chí hàng trăm lần về “thưởng tết” giữa người quản lý với công nhân, lao động, bởi người ăn không hết, người lần không ra, thì làm sao mà “vui tết” được. Việc tổ chức vui tết cho nhân dân cần khôi phục cái tiến bộ, gạt bỏ cái lạc hậu mang màu sắc mê tín, ngăn chặn các hủ tục mới, nhất là tệ nạn cờ bạc dưới mọi hình thức. Muốn thế cần phát triển mạnh các trò chơi lôi cuốn số đông người tham gia, như thi ca hát dân tộc, ngâm thơ, kể chuyện tết, thi nấu món ăn ngày tết, thi đấu thể thao, kéo co, ném còn, cờ tướng, cờ vua…

Mừng thọ người cao tuổi là phong tục tốt đẹp theo truyền thống “kính lão đắc thọ” cần tổ chức trang trọng, vui vẻ, nhưng tránh cách làm phản cảm như quỳ lạy các vị thủ chỉ, cao niên, chuốc rượu các cụ say… chẳng hạn. Lễ hội ngày xuân phải là dịp khôi phục và cải biên cái cũ, trong đó có rước xách và phát triển cái mới phù hợp, nhưng cần ngăn chặn biến tướng mê tín dị đoan và kéo dài ngày ảnh hưởng đến công việc làm ăn của nhân dân và học hành của con em. “Ngày xuân là tết trồng cây” theo lời kêu gọi của Bác Hồ phải trở thành phong trào rộng khắp hằng năm.

Để vui tết trở thành phong tục mới và ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân ta, việc tuyên truyền, vận động của các tổ chức, đoàn thể, dòng họ, người cao tuổi và vai trò gương mẫu của người lãnh đạo đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở là rất quan trọng, có tính chất quyết định./.

Theo: Lao Động



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com