Văn hóa làng thời đô thị hóa

08:01, 28/01/2012

Văn hóa làng ở tỉnh ta hiện hữu trong dáng hình cụ thể của những công trình kiến trúc tâm linh còn tồn tại đến ngày nay. Hàng ngàn ngôi đình, đền, chùa, miếu, từ đường dòng họ phân bố đều khắp các thôn, xóm không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo, sức sáng tạo bền bỉ của ông cha mà còn có giá trị về nhiều mặt: Khảo cổ, lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật… Văn hóa làng cũng được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hóa mang giá trị truyền thống: Từ cây đa, bến sông, con đê, giếng nước đến các bản gia phả, hương ước, phong tục tập quán, hội hè đình đám, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật dân gian. Ngoài những đặc điểm chung như: Tâm hồn yêu quê hương, gắn bó với đất nước, tình đoàn kết gắn bó xóm làng, biết ơn nguồn cội, mỗi làng còn có những nét riêng, làm nên sự độc đáo theo kiểu “đất lề quê thói”. Từ hàng nghìn năm nay, văn hóa làng đã trở thành cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, truyền thừa và bảo tồn nền văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh để chiến thắng thiên tai, giặc dã, đói nghèo; góp phần xây dựng, hình thành nhân cách, đạo lý làm người tốt đẹp của một dân tộc, một địa phương, một cộng đồng. Văn hóa làng kết tinh đậm đặc và rực rỡ nhất trong các hội làng diễn ra vào “xuân thu nhị kỳ” hằng năm. Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội truyền thống được các cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức và quản lý cùng hàng trăm hội đền, chùa với quy mô nhỏ ở các làng quê. Lễ hội là nơi hội tụ đầy đủ nhất các giá trị văn hóa làng với phần hội là một tổng thể những sinh hoạt văn hóa dân gian, các trò chơi, các môn thể thao truyền thống, nghề thủ công, những làn điệu dân ca dân vũ…, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sinh động của người dân trong tỉnh.

Làng quê đổi mới.
Làng quê đổi mới.

Văn hóa làng quê được ví như suối đầu nguồn tạo nên dòng chảy văn hóa dân tộc, rất cần được bồi đắp gìn giữ. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, nhiều người không khỏi lo ngại khi văn hóa làng có nguy cơ mai một. Thực tế cho thấy, thành tựu kinh tế - xã hội đạt được những năm qua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn trong tỉnh. Đô thị hóa khiến cuộc sống người dân thôn quê dần khá lên. Khoảng cách nông thôn, thành thị đang được san bằng dần. Nông thôn không còn khép kín sau lũy tre làng mà đã được mở rộng bằng chính tư duy mới mẻ và khát vọng làm giàu chính đáng của mỗi người dân. Cảnh tượng nhà ngói sân gạch, vườn cây ao cá không còn là mơ ước của người nông dân. Nhiều người bỗng chốc trở thành triệu phú sau khi được đền bù, bán đất. Họ mua xe, xây nhà cao tầng. Đời sống nhân dân nông thôn ngày càng được nâng cao, người dân có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật mới, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, được tiếp cận với các dịch vụ tiện lợi và hiệu quả, tiếp nhận nhiều tri thức văn hóa. Lối sống thời thị trường xâm nhập nhanh chóng làm cho nếp làng, văn hóa làng với những phong tục, tập quán dần bị biến dạng, mai một. Nhiều người trong xu thế phát triển ấy lại đang lo lắng về sự suy thoái của truyền thống văn hóa, về ý thức cộng đồng ở những vùng quê xưa nay vốn yên bình. Làng Việt vốn tập trung rất nhiều công trình kiến trúc văn hóa độc đáo với những phong tục tập quán lâu đời, những lễ hội gắn với tín ngưỡng dân tộc, các trò chơi dân gian hấp dẫn, đặc sắc. Trong những năm gần đây, xu hướng tổ chức các lễ hội rườm rà, tốn kém đã xuất hiện. Nhiều trò chơi dân gian bị biến tướng thành các cuộc sát phạt đỏ đen. Kiến trúc đình, đền, chùa ở một số làng bị tu sửa, tôn tạo một cách cẩu thả, tùy tiện, làm biến dạng vẻ đẹp vốn có của di tích. Nhiều người sống nơi phồn hoa đô thị lâu ngày, muốn về quê tìm lại chút hương đồng gió nội đều cảm thấy ngậm ngùi khi những biểu tượng văn hóa một thời như cổng làng, ao làng, giếng làng… đang ngày càng vắng bóng. Tình cảm xóm làng vốn khăng khít, gắn kết bao đời nay cũng có phần phai nhạt. Trước đây, nhà nào chỉ cần có ấm chè tươi vừa hãm, có rổ khoai luộc còn bốc khói là mời hàng xóm đến chơi, chuyện trò rôm rả. Phải hôm nhà hết rau, hết gạo cũng chẳng ngại ngần chạy sang nhà hàng xóm vay tạm. Nay nhà nào nhà ấy kín cổng cao tường. Những dậu chè, dậu ruối, dâm bụt ngăn cách giữa các nhà bị thay bằng bức tường hoa sừng sững chăng dây thép gai hoặc cắm mảnh chai chi chít khiến mỗi người có việc sang hàng xóm có phần e ngại, dè dặt hơn. Đó là chưa kể có những nơi, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, hàng xóm láng giềng cũng xảy ra to tiếng, xô xát…

Đô thị hóa cũng khiến cho đất canh tác bị thu hẹp. Nhiều làng, đàn ông con trai đi khắp nơi làm ăn, mọi công to việc lớn trong làng đổ lên vai người phụ nữ. Khi trở về, cùng với tiền bạc kiếm được làm cuộc sống sung túc hơn, họ còn mang theo nhiều thói hư tật xấu, học đòi ở chốn thị thành. Đất canh tác nhường chỗ cho các khu, cụm công nghiệp mọc lên. Sinh hoạt của công nhân làm nảy sinh nhiều hàng quán, tụ điểm giải trí phức tạp. Nông thôn ngày càng chịu nhiều sức ép về ô nhiễm môi trường. Không ít loại hình dịch vụ giải trí du nhập vào các làng quê, bị biến tướng thành tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, nghiện hút, làm suy thoái văn hóa truyền thống và đạo đức của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Trong khi đó, sân chơi dành cho thanh thiếu niên ở nông thôn hiện nay dường như bị bỏ ngỏ, hoạt động kém phong phú, các sinh hoạt cộng đồng ít được tổ chức…

Mặc dù những hiện tượng nêu trên chưa phải là phổ biến ở tất cả làng, thôn song trước tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay và mặt trái của nó đã và đang tác động tiêu cực đến làng quê, việc gìn giữ các giá trị văn hóa làng cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, mỗi địa phương nên chú trọng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần; kế thừa và phát huy những tinh hoa, thuần phong mỹ tục của văn hóa làng. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển toàn diện nông thôn như: đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân, triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo… Cùng với việc nâng cao hơn nữa hiệu quả của các công tác này, cần có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao tri thức của người dân nông thôn, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận nhiều hơn, tốt hơn với các chính sách an sinh xã hội. Tất cả phải hướng đến mục đích cuối cùng là rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để người dân nông thôn vừa có đời sống vật chất sung túc, đầy đủ, vừa có đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, biết trân trọng và có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa của làng quê. Bởi cuộc sống dù có văn minh, hiện đại đến đâu, văn hóa làng vẫn là hồn cốt thiêng liêng để mỗi người khi hướng về, biết sống tốt hơn và không quên nguồn cội./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



Mở bán Noble Crystal

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com