Đó là khẳng định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trong năm 2011 cũng như 66 năm nỗ lực thực hiện sứ mệnh văn hoá cao cả của mình.
Màn múa trống hội tại Lễ kỷ niệm 710 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ảnh: Việt Thắng |
Trong năm 2011, UNESCO tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững. Đây là năm được đánh dấu bởi các ngày kỷ niệm quan trọng của UNESCO trên phương diện pháp lý về văn hoá: 40 năm Công ước về việc nghiêm cấm và ngăn chặn việc xuất, nhập khẩu và chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hoá bất hợp pháp; 5 năm Công ước về Bảo vệ và khuyến khích sự đa dạng của các biểu thức văn hóa; Lễ kỷ niệm lần thứ 10 của Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa và Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước. Ngoài ra, UNESCO đang chuẩn bị tiến hành lễ kỷ niệm trên toàn thế giới lần thứ 40 một trong những công ước quan trọng nhất của tổ chức này trong năm 2012: Công ước Di sản Thế giới.
Tại kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ của UNESCO diễn ra tại Bali (Indonesia) vào tháng 11-2011, 12 di sản văn hóa phi vật thể mới của nhân loại đã được công nhận, nâng tổng số di sản thế giới đến thời điểm này là 936, trong đó có 725 di sản về văn hóa, 183 di sản về những khu thiên nhiên và 28 di sản thuộc cả hai loại. Các di sản đó hiện diện tại 153 quốc gia.
Phiên họp Đại hội thế giới lần thứ 36 của UNESCO trong năm 2011 tái khẳng định cam kết hỗ trợ các quy ước văn hoá của UNESCO. Thông qua các công cụ pháp lý quốc tế, UNESCO nỗ lực bảo vệ sự đa dạng văn hóa của thế giới, qua đó góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả các xã hội. Cũng tại phiên họp này, UNESCO nhất trí thông qua bản Khuyến nghị về cảnh quan đô thị lịch sử và công bố ngày Jazz quốc tế (ngày 30 tháng 4 hằng năm). Năm lĩnh vực mới cũng đã được phiên họp đề cập bao gồm nghiên cứu di sản (Italia), ngôn ngữ (Iceland), phụ nữ trong nghệ thuật (Jordan), nghệ thuật đương đại (Qatar) và đá nghệ thuật (Tây Ban Nha).
Năm 2011, lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về vai trò của văn hoá trong phát triển, sứ mệnh không thể thay thế được của văn hóa trong việc phát triển bền vững cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ bao gồm giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực; chặn đứng sự lây lan của HIV/AIDS; đạt phổ cập giáo dục tiểu học, tất cả đều phải hoàn thành vào năm 2015 đã được tất cả các nước cũng như tất cả các cơ quan/tổ chức phát triển hàng đầu trên thế giới nhất trí thông qua. Các mục tiêu này đã thúc đẩy những nỗ lực to lớn chưa từng có nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất trên thế giới.
Cũng trong năm vừa qua, UNESCO tổ chức diễn đàn về các ngành công nghiệp văn hóa ở Monza (Italia) mà chủ đề là khai thác và sử dụng như thế nào với sách điện tử (e-book) trong khi phương thức xuất bản truyền thống đang tỏ ra lỗi thời.
Thế giới ngày càng giàu có và văn minh hơn. Và ở một cực khác, thế giới ngày nghèo đói và “dã man” hơn. Nó như một cặp phạm trù đối lập, oái ăm thay, vẫn đang song hành tồn tại.
Có một sự mất mát khác đằng sau những vụ bạo động tại các nước Bắc Phi như Ai Cập, Tunisia và Libya là di sản văn hoá. Hữu hình, nhưng nhiều khi vô hình, không thể sánh được với sự thiệt hại về con người nhưng đó cũng là sự mất mát đau đớn, không gì bù đắp được. Vì vậy, ngay sau khi chiến sự bùng nổ tại Libya, Tổng Giám đốc UNESCO kêu gọi các thành viên tham chiến, đồng thời cũng là thành viên của Công ước La Hay 1954 bảo vệ di sản văn hoá trong chiến tranh, tuân thủ Công ước cũng như Nghị định thư của nó. Không những thế, UNESCO còn trang bị cho các bên bản đồ tọa độ các di tích văn hoá lớn với hy vọng “cứu rỗi” di sản văn hoá của một khu vực từng là cái nôi văn minh của nhân loại. Đáng tiếc, riêng trong vấn đề này, UNESCO “lực bất tòng tâm”.
Năm 2012 vẫn đầy thách thức. Và với sự nỗ lực như vốn có, UNESCO tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng sứ mệnh văn hoá cao cả của mình./.
Theo: baovanhoa.vn