Tục xông đền, xông nhà thờ vào đêm giao thừa: Một nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ

09:01, 24/01/2012

Làng Gạo, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) là một trong những làng cổ có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời. Nơi đây hội tụ 18 dòng họ về khai cơ lập ấp, nơi có hội “Thái Bình xướng ca” mang đậm nét văn hoá Trần và nhiều phong tục truyền thống văn hoá khác, trong đó phải kể đến tục xông đền, xông nhà thờ vào đêm giao thừa.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì tập tục này có từ rất lâu đời, gắn liền với 18 cụ tổ buổi đầu về đây dựng làng lập ấp hình thành cộng đồng dân cư như ngày nay.

Để buổi rước vào đêm giao thừa được thuận lợi thì công tác chuẩn bị là khâu cực kỳ quan trọng. Đầu tiên là khâu chọn người. Người xông đền phải có đủ các tiêu chí sau: Độ tuổi từ 60 trở lên, ông bà khoẻ mạnh, con cháu đề huề, thành đạt và không có khăn xám (việc tang). Còn đối với những người xông nhà thờ thì tiêu chí có phần giản lược hơn, chủ yếu là sự luân phiên giữa các ngành, các chi trong họ tộc. Sau khi nhận nhiệm vụ, người xông bắt tay vào công tác chuẩn bị lễ vật. Lễ vật cúng gồm có: gà, xôi, chè, rượu, hoa… Gà phải là gà trống ta, được nuôi dưỡng cẩn thận, mào tươi, lông đẹp, chân thon. Gạo nếp phải là gạo nếp sớm thơm, hạt tròn, mình mẩy bóng, tất cả đều phải lựa chọn kỹ càng.
Buổi chiều ngày 30 Tết, người xông mang lễ đến nhà đền, từ đường thắp hương kính cáo với thành hoàng, tổ tiên xin được đại diện cho dân làng, dòng họ mở cửa xông đất, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu trong năm mới.

Tối 30 Tết, anh em, hàng xóm, bạn bè đi sang nhà người xông đền, từ đường chúc mừng, uống nước và cùng nhau chuẩn bị cho đêm rước.

Khoảng 21h, sau hồi trống lệnh của làng, người xông mới bắt tay vào việc mổ gà, đồ xôi và nấu chè. Gà được làm cẩn thận, sạch sẽ rồi đem vào luộc. Luộc gà phải dùng nước mưa, đun nhỏ lửa để khi vớt ra gà có màu sáng bóng, đặt lên mâm xôi dâng lên bàn thờ để kính cáo với tổ tiên.

Khoảng 23h, tuỳ thuộc vào khoảng cách giữa nhà người xông đền, từ đường và nơi xông mà người ta bắt đầu đám rước, nhưng bao giờ ông xông đền cũng đi trước, sau đó mới đến đoàn rước của các dòng họ. Đi đầu đoàn rước là đoàn người cầm đuốc, cầm cờ, chiêng trống rồi mới đến đoàn rước chính. Trong tiết mưa xuân, đoàn rước vẫn nghiêm trang thành kính hoà quyện cùng tiếng trống, chiêng, nhạc lưu thuỷ càng làm không khí trở nên ấm cúng và thiêng liêng. Ngọn đuốc đi đầu là ngọn lửa tượng trưng soi đường chỉ lối cho 18 cụ tổ về đây lập làng dựng ấp, là ngọn lửa xua tan màn đêm giá lạnh, xua đuổi thú dữ, vừa là ngọn lửa của tinh thần đoàn kết của dân làng, anh em dòng họ vượt qua những khó khăn thử thách.

Đi cùng với đoàn rước không thể thiếu được cảnh đốt đèn trời. Đèn trời hình trụ tròn, được làm bằng khung tre có đường kính từ 90-120cm, cao 100cm, bên ngoài dán giấy dó, ở giữa có bùi nhùi. Khi đốt, không khí bên trong được đốt nóng lên, áp suất bên trong đèn và bên ngoài chênh lệch làm cho đèn dần dần bay lên. Đèn trời được coi là ngọn đèn soi sáng, là niềm tin hy vọng, mong muốn của mọi người gửi lên trời đất, tổ tiên những điều hạnh phúc, an khang, thịnh vượng vào một năm mới.
Giờ phút giao thừa sắp đến cũng là lúc các đoàn rước đến địa điểm xông. Đúng 12h đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống điểm sang canh, một năm mới bắt đầu, người xông tiến lên nơi thờ đẩy cửa đi vào, thay mặt cho dân làng, dòng họ thành tâm dâng lễ lên thành hoàng, tổ tiên, cầu một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, người người ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Khi người xông tế lễ xong, dân làng, anh em trong họ lần lượt đi vào lễ thành hoàng, tổ tiên. Trong giờ phút thiêng liêng, mọi người ngồi quây quần bên nhau nghe ông trưởng họ kể lại sự tích của tổ tiên để giáo dục, nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội. Những câu chuyện gặp gỡ, làm ăn, những khúc mắc trong năm cũ, những dự tính trong tương lai được hàn huyên một cách chân tình cởi mở. Lúc này người xông đền, từ đường lần lượt đi mừng tuổi những người tham gia đoàn rước và anh em họ hàng. Mừng tuổi xong, người xông vào lễ tạ thành hoàng, tổ tiên và mời mọi người ở lại cùng thụ lộc. Cầm nắm xôi, nhâm nhi chén rượu lộc, nói những chuyện tương lai, ai ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp trong một năm mới.

Khi thụ lộc xong cũng vào khoảng 2h, 3h sáng, mọi người đi vào lễ tạ rồi xin chân nhang và hái lộc quay trở về thắp nén hương lên ban thờ gia tiên tỏ lòng thành kính. Con cháu ngồi quây quần chúc tụng, mừng tuổi ông bà cha mẹ sống lâu muôn tuổi, ông bà mừng tuổi cho các cháu chăm ngoan, học giỏi và niềm tin vào năm mới tốt lành, an khang, thịnh vượng./.

Nguyễn Xuân Cao



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com