Phần hồn của trò chơi dân gian ngày Tết

10:01, 23/01/2012

Ông cha ta trước đây, trong năm làm gì thì làm, bận mấy thì bận nhưng 3 tháng mùa xuân là thời gian nghỉ ngơi, gác mọi công việc để hội hè, "ăn chơi". Vì thế, mùa xuân mới là mùa trẩy hội và chắc cũng không nơi nào trên thế giới, hội hè lại tập trung nhiều vào mùa xuân như ở nước ta. Trong lễ hội không thể thiếu phần quan trọng, hấp dẫn, đó là các trò chơi. Đối với người Việt, trò chơi trong lễ hội không đơn thuần chỉ là trò chơi, chỉ mang tính giải trí mà quan trọng hơn là để bày tỏ một mong ước, mong ước đó tác động đến các lực lượng siêu nhiên, vì thế mà nó trở thành thiêng, hay mang "tính thiêng". Cái ý nghĩa đó chính là phần hồn, tạo nên vẻ đẹp cho mỗi trò chơi.

Trong hầu hết các hội làng xưa và nay đều không thể thiếu được một trò chơi là môn vật. Thế nhưng, ông cha ta ngày xưa không coi vật là một trò chơi đơn thuần. Thắng thua không quan trọng, bởi vì người xưa coi vật là một hình thức để tôn vinh sức mạnh dương tính. Vì thế, nếu đấm bốc diễn ra trên sàn đấu hình vuông thì môn vật của ta lại diễn ra trên xới vật hình tròn. Xới vật hình tròn lại được đặt trước một sân đình hình vuông. Đó không phải là sự sắp xếp ngẫu nhiên mà tất cả đều có ý nghĩa sâu xa. Vuông và tròn theo quan niệm của dân tộc ta là hai hình toàn vẹn, nên mới có câu "mẹ tròn con vuông". Hơn nữa, tròn là mặt trời, tính dương, các đô vật là nam cũng biểu tượng cho tính dương, không bao giờ có đô vật nữ. Lý do là vì, thông qua trò chơi này, người ta mong cho dương vượng để có mưa thuận gió hoà, cây cối sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi.

Một đặc điểm nổi bật trong trò chơi xuân của người Việt đó là: Trò chơi nào cũng có sự phối hợp giữa âm và dương. Người Việt cũng như dân cư ở khu vực Đông Nam Á là những người trồng lúa nước nên đều có chung một tín ngưỡng về sự phối hợp giữa đực và cái. Người Trung Quốc đã tổng kết điều đó và nâng lên thành thuyết âm dương. Trong tôn giáo, người ta gọi đó là "ma thuật làm mẫu". Người ta tin rằng, nếu làm thế nào thì trời đất, cây, cỏ, súc vật đều phải làm theo như thế, đó là một cách bày tỏ nguyện vọng đầu xuân: mong cho "người yên vật thịnh". Ví như trò đánh đu, một trò chơi phổ biến trong hầu hết các lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có những vần thơ thật đẹp mô tả trò chơi này:

“Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song”

Trò chơi này đòi hỏi phải có một nam, một nữ chứ không thể chỉ là hai nam hay hai nữ được vì như thế mới có sự kết hợp giữa đực và cái, giữa âm và dương. Rồi động tác đu: Từ đất bước lên cây đu rồi đu lên trời. Mà đất là âm và trời là dương. Một sự giao hoà giữa trời và đất, giữa âm và dương. Trò ném pháo đất ở một số nơi thuộc vùng Hải Dương cũng vậy. Đất là biểu tượng cho yếu tố cái, cho tính âm. Nhưng đất lại nặn thành cái pháo, ném xuống nổ như tiếng sấm. Đấy là âm thanh của trời, biểu tượng cho tính dương. Hay điệu Múa bồng ở hội làng Triều Khúc diễn ra hàng năm từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng. Phụ hoạ cho điệu múa là hai loại nhạc cụ chiêng và trống. Lý do là vì trống là trời và chiêng là đất. Lại là sự kết hợp giữa trời và đất. Hai người múa đứng đối diện với nhau, họ phải ăn mặc quần áo phụ nữ dù họ là con trai và phải đeo trống trước ngực. Phụ nữ là âm, mà trống là dương. Như vậy, bản thân mỗi người đã là một sự kết hợp hoàn hảo giữa âm và dương. Khi múa, họ xoay dần theo hình tròn nhưng lại theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Bởi vì đó là đường đi của Mặt trời từ đông sang tây.

Sức hấp dẫn của mỗi trò chơi toát ra từ chính ý nghĩa của trò chơi đó và vì thế người xưa đến với trò chơi không chỉ vì sự hấp dẫn của bản thân trò chơi mà còn vì ý nghĩa của nó. Nhưng các trò này mang tính làm mẫu nên không phải ai cũng được phép chơi mà phải là những người được dân làng lựa chọn. Vì thế, những người được tham gia trò chơi rất vinh dự. Hơn nữa, khi được tham gia vào trò chơi làm mẫu, người chơi đã thu được rất nhiều năng lượng thiêng của trò chơi nên năm đó, ruộng lúa, gia súc, mệnh của nhà ấy rất thịnh. Chính vì lẽ đó, trò chơi ngày tết mới có ý nghĩa lớn đối với đời sống cộng đồng người Việt xưa.

Hiện nay, các trò chơi ngày xuân của ông cha ta không còn giữ vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng như trước. Mặc dù các hội làng vẫn được tổ chức, một số trò chơi dân gian vẫn diễn ra bên cạnh những trò chơi mới được du nhập, và gần đây, nhiều trò chơi đã được khôi phục lại nguyên vẹn nhưng phần hồn, phần ý nghĩa của chúng đang dần bị quên lãng. Người ta gọi đó là sự "giải thiêng" cho trò chơi, nghĩa là làm nó mất đi tính thiêng mà chỉ còn là một trò chơi đơn thuần. Và các trò chơi đã được đời thường hoá, ai cũng có thể chơi được. Chẳng hạn như trò Ném Còn của người dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, trái còn là một túi vải hình vuông có 8 mảnh 8 màu bên trong chứa đầy hạt giống. Trái còn được trai gái ném cho nhau qua một lỗ hình tròn tượng trưng cho Mặt trời. Nhưng bây giờ, trong trái còn người ta nhồi đầy cát và thanh niên chơi chỉ cố làm sao ném qua được lỗ tròn mà không hiểu hành động đó có ý nghĩa gì. Bởi vậy mà tính hấp dẫn của trò chơi mất đi một nửa. Chính vì chỉ còn đơn thuần là trò chơi, mà trò chơi thì hiện nay người ta có nhiều cái mới hấp dẫn hơn nên các trò chơi xuân cổ truyền đang dần mất đi chỗ đứng trong các lễ hội đầu năm./.

Vũ Minh Huệ



Cập nhật sxmb mới nhấtGiải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com