Tháng Chạp gắn liền với những kỷ niệm của tuổi thơ tôi nơi quê nghèo lam lũ. Trời lạnh căm căm, lũ trẻ chúng tôi lăng xăng theo bà theo mẹ ra đồng xếp ải. Đồng ruộng nứt nẻ chân chim. Gió thổi hun hút. Nhưng bọn trẻ như chẳng hề biết lạnh. Đứa thì mót khoai lang ở ruộng khoai vừa dỡ, đứa thì gom rơm rạ rơi vãi thành một đống. Xong xuôi, chúng tôi quây quần bên nhau, nhóm lửa bằng chiếc bùi nhùi rơm mang theo từ nhà. Chẳng mấy chốc, mùi khoai lang nướng đã tỏa hương thơm sực nức. Chúng tôi chia nhau những củ khoai lang nóng hổi, bở tung, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng. Mặt mũi đứa nào đứa ấy dính than tro đen nhẻm. Cả bọn nhìn nhau, cười vang cả cánh đồng. Mẹ tôi cần mẫn cuốc những tảng đất to để bà nội xếp thành dãy chạy dài trên mặt ruộng. Làm như vậy, đất sẽ được cái gió hanh hao của tháng chạp hong khô, để đến khi đưa nước vào ruộng, đất trở nên bở và tơi xốp hơn. Chúng tôi cũng hăng hái giúp bà, giúp mẹ bê những tảng đất nhỏ xếp lên thành ải. Chỉ một lúc là cả bọn lại chán, rủ nhau đi tìm cỏ gà để chơi. Tháng Chạp còn gợi nhớ về những món ăn dân dã của một thời nghèo khó. Thời điểm ấy, vạt cải vườn nhà bắt đầu trổ hoa vàng rực rỡ. Mẹ tôi lựa những cây cải bánh tẻ, rửa sạch, phơi chỗ thoáng gió cho héo. Mía vườn nhà đượm ngọt sau những ngày tháng hanh hao được chặt về. Mẹ tôi xếp lần lượt một lớp mía chẻ mỏng, một lớp cải để cả tàu lá, một lớp muối cho đến khi đầy vại thì gài vỉ tre, xếp đá tảng lên để nén. Mẹ cất vại dưa vào góc nhà, phòng lúc giao mùa, khi mưa gió hoặc lúc giáp hạt tháng ba ngày tám mẹ lại lấy vại dưa muối ra. Những tàu lá cải vàng rộm, giòn dai, chua dôn dốt được mang ra, cắt nhỏ, kho với cá khô, tép khô. Bữa cơm chiều hôm ấy bỗng trở nên "thịnh soạn" ấm cúng lạ thường. Tháng Chạp cũng là lúc những cây sắn gạc nai rụng lá, trơ ra những thân cành khẳng khiu như gạc của những con hươu. Mẹ tôi dỡ sắn, chọn những củ "nạc", bóc lớp vỏ ngoài lấm lem đất cát đi, cắt thành khúc, ngâm vào chậu nước để khi ăn không bị say. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác được thưởng thức nắm xôi sắn bùi ngậy, miếng sắn trắng nõn, vài hạt xôi bám dính bên ngoài nhưng béo mọng, lấp lánh như những hạt ngọc. Ngồi khoanh tròn chân trong ổ rơm, thưởng thức món xôi sắn trong những ngày tháng Chạp lạnh giá, tưởng như không còn hạnh phúc nào bằng! Tháng chạp còn gắn với một ngày thật đặc biệt: ngày 23 - Tháng Chạp ông Táo lên trời. Dù bận việc gì, bố tôi cũng dành cả buổi sáng lau dọn bàn thờ, chỉ để lại mỗi bát hương ba chân nhang, gọi là làm lễ "mộc dục". Mẹ tôi thì đi chợ từ sớm, mua cá chép về cúng ông Táo. Vốn tính lo xa, mẹ tranh thủ mua gạo nếp, đỗ xanh, hành, muối, ống giang về chẻ lạt gói bánh chưng. Cả năm thiếu thốn, đến tết phải cố gắng đủ đầy để năm mới làm ăn may mắn. Thấy người lớn bận rộn lo toan, bọn trẻ chúng tôi cũng thấy háo hức, phấn chấn hẳn lên. Trong giấc mơ, chúng tôi đã thấy tết đến thật gần với sắc đỏ rực của câu đối, với âm thanh sột soạt của bộ quần áo mới còn thơm mùi hồ. Và đến tận bây giờ, những hình ảnh, âm thanh ấy vẫn chưa nguôi ngoai trong nỗi nhớ tháng Chạp./.
Lam Hồng