Tương lai nào cho nghệ thuật truyền thống?

07:12, 02/12/2011

Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2011 với đề tài hiện đại đang diễn tại Thái Bình và sẽ kéo dài đến ngày 4-12. Liên hoan như một liều thuốc thử với công chúng nước nhà khi mà nghệ thuật sân khấu truyền thống chưa biết lúc nào mới thoát khỏi cảnh sống "thoi thóp”. Và một lần nữa, rất nhiều các chuyên gia, nghệ sĩ đã đưa ra "Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống”... nhưng xem ra giải pháp vẫn chỉ là... giải pháp. Còn tương lai nào cho nghệ thuật truyền thống vẫn còn là dấu hỏi lớn?

Một cảnh trong vở
Một cảnh trong vở "Trăng Khuyết" của Nhà hát Chèo Nam Định.
Ảnh: Khánh Ngọc

Mặc dù trên cả nước có tới 18 nhà hát chèo chuyên nghiệp nhưng đến với Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2011 chỉ có 12 đơn vị với 15 vở diễn. Lý do đưa ra của các đơn vị không tham gia liên hoan đa phần là vì không có tác phẩm mới. Nhìn vào thực trạng của sân khấu chèo nói chung và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: tuồng, cải lương..., có thể thấy, chưa bao giờ các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nước ta lại rơi vào tình trạng ảm đạm, "đói” khán giả như hiện nay. Khó tìm đầu ra cho các tác phẩm mới, đó là lý do các đoàn nghệ thuật truyền thống đưa ra để biện minh cho việc "dậm chân tại chỗ” của mình.

Còn theo ý kiến của những nhà chuyên môn, để nghệ thuật truyền thống phát triển, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như: đào tạo chuyên sâu cho các tác giả, phải có chế độ đãi ngộ hợp lý cho nghệ sĩ... và điều khó khăn không kém chính là vấn đề "đào tạo khán giả” cho sân khấu truyền thống... Theo GS. Hà Văn Cầu: "Người nghệ sĩ phải được đào tạo theo hướng chuyên sâu, gặp bất cứ trường hợp nào cũng tự mình giải quyết được. Ví dụ, người diễn viên xưa nhớ hàng trăm bài hát, ngày nay, diễn viên phải thông thạo kỹ xướng âm, gặp bất cứ bài hát nào cũng có thể tập hát một mình được”... Nhưng xem ra điều này là bất khả kháng. Bởi cuộc sống với biết bao lo toan cơm áo gạo tiền, nên không thể buộc người nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống phải ngồi học thuộc hàng trăm bài hát, để rồi khi biểu diễn chỉ được nhận vài chục nghìn tiền cátxê.

Với khán giả - những "nhân vật” góp phần quyết định sân khấu có thể "đỏ đèn” hàng đêm hay không, cũng cần được đặc biệt chú ý trong "công cuộc” đi tìm giải pháp cho nghệ thuật truyền thống. PGS, TS. Lê Thị Hoài Phương khẳng định, việc "đào tạo” khán giả cho sân khấu truyền thống cũng là một trong những giải pháp cần thiết để giữ cho sân khấu truyền thống không bị rơi vào tình trạng "sống dở, chết dở”. Tuy nhiên, đào tạo nghệ sĩ chuyên sâu đã khó, "đào tạo” khán giả chắc còn khó hơn nhiều, phải bắt đầu ngay từ bây giờ, từ khi khán giả còn là những... đứa trẻ. Thật vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống bên cạnh việc dựa trên yếu tố nội lực của các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát cũng cần đổi mới tư duy nhanh hơn nữa để theo kịp thị hiếu của khán giả. Nói như NSND Lê Huy Quang, sân khấu truyền thống hiện nay đang thưa vắng khán giả, "những ông hoàng, bà chúa của thánh đường sân khấu đã không thực sự cuốn hút công chúng đương đại nữa”. "Nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà đang ở những khúc quanh đầy khó khăn trên con đường vươn tới tầm cao đích thực. Sự cố gắng của một vài cá nhân không bao giờ là đủ. Đây là vấn đề chung của cả nền sân khấu, cần sự chung tay góp sức của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội. Tôi cho rằng sẽ quá muộn nếu chúng ta không bắt đầu từ hôm nay, bằng những chính sách cụ thể để đầu tư văn hóa truyền thống, đảm bảo rằng những người có tài năng trong lĩnh vực này sẽ được đãi ngộ xứng đáng, tạo sức hút với các bạn trẻ trong thời gian tới” - Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, ông Nguyễn Ngọc Đình chia sẻ.

Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2011 với đề tài hiện đại hy vọng sẽ bắt kịp với hơi thở của cuộc sống đương đại, để chiếu chèo nói riêng và sân khấu truyền thống nước nhà nói chung sớm thoát khỏi tình trạng "xuống dốc không phanh”./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com