Một cảnh trong vở diễn "Thời con gái đã xa" của Đoàn kịch nói Nam Định. |
Vở diễn “Thời con gái đã xa” của Đoàn kịch nói Nam Định (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Trần Đình Tuyên) nội dung nói về lực lượng thanh niên xung phong trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Trong vở diễn, Diệu (diễn viên Thùy Linh thể hiện) - cô thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn năm xưa bị quả bom nổ làm cháy sém cả nửa người, cháy luôn nửa gương mặt trẻ trung xinh đẹp, để lại những vết sẹo gớm ghiếc. Cô “xin” một đứa con từ chính người đồng đội là Tân, người cô luôn thầm yêu thương, kính trọng. Để rồi 15 năm Tân dằn vặt và 15 năm Diệu phiêu bạt cùng đứa con thơ, vì giữ một lời hứa không làm tổn thương đến hạnh phúc của Tân và gia đình anh. Nuôi con khôn lớn chừng ấy năm trời, nỗi đau trong cô dần nguôi ngoai, nếu như không có một ngày Diệu tình cờ gặp lại Tân khi gia đình anh vô tình chuyển đến vùng đất mà cô đang sinh sống. Những tưởng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy sẽ là mãi mãi, không ngờ chính tại Sài Gòn đứa con của Diệu lại học chung lớp với con của Tân, đưa đẩy cho người vợ Tân ghen tuông, gia đình bất hòa. Lại một lần nữa, lòng tự trọng, kiên cường của một chiến sỹ thanh niên xung phong đã khiến cô cắt đứt quan hệ, đưa con trở lại quê nghèo để bảo vệ lời hứa, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình người yêu. Trong vở diễn, người xem cảm nhận được tác giả Nguyễn Thu Phương và đạo diễn trẻ Trần Đình Tuyên đã khắc họa rõ nét hình tượng, người nữ thanh niên xung phong, biết hy sinh cho Tổ quốc, biết sống “Mình vì mọi người”. Với ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu biểu cảm qua từng tình huống kịch, khiến người xem ngỡ ngàng trước mỗi số phận nhân vật trong vở diễn. Dàn diễn viên của đoàn đã lột tả được diễn biến nội tâm, cá tính của từng nhân vật. Thùy Linh (vai Diệu) đã khoét sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, vì chiến tranh, họ đã mất đi một thời đẹp nhất của cuộc đời, nhưng họ luôn cháy bỏng khát vọng hạnh phúc và đấu tranh cho hạnh phúc. Linh Sâm (vai Diễm) thể hiện thành công hình ảnh một cô gái miền Trung đầy nắng và gió, mạnh mẽ, dữ dội với những giằng xé nội tâm. Quang Nhất (vai Tân) thể hiện hình ảnh của một người đàn ông chững chạc, từng trải, độ lượng, một người đã trải qua mất mát đau khổ, muốn tìm cái gì đó chân chính nhất. Đức Tiến, Hồng Linh, Đức Thành - 3 đứa con, 3 tính cách với lối diễn mộc mạc, chân chất, thể hiện những sắc thái khác nhau, góp phần tạo nên thành công của vở diễn./.
Vũ Thu Trang