Chọi chim thường được tổ chức trong các dịp hội làng. Chim chọi thường là chim hoạ mi, được huấn luyện rất công phu. Nhiều người còn bẫy chim “mộc” để luyện cho chim chọi. Trước khi chọi, chủ nuôi có thể cho chim uống rượu… để kích thích chiến đấu. Lợi dụng tập tính của chim hoạ mi là sống từng đôi trống mái riêng rẽ nên chim chọi vào trận bao giờ cũng cần có con mái đi cùng nhưng được nhốt trong một chiếc lồng khác để bên cạnh. Khi chim trống đánh nhau, chim mái “xuỳ” hoặc gõ mỏ để cổ vũ chim trống. Khi chọi, đặt hai lồng chim gần nhau để hai chim hót khích nhau, có khi nghe tiếng hót, chim nào yếu thế chịu thua luôn. Sau đó, cho cặp chim chọi vào chiếc lồng chiến có cửa hội chọi gọi là “cửa chiến” có các trụ ngăn, khiến chim không thể chui sang bên kia nhưng đủ để hai con chim trổ hết tài nghệ của chân, mỏ. Sau màn biểu diễn thể hiện sức mạnh, chủ đặt sát hai cửa lồng mở để thông sang nhau. Một số đòn võ tiêu biểu như dùng chân khoá cánh đối thủ, bóp hầu, khoá mặt, dùng mỏ xỉa vào mặt, tiện rỉa theo chân… Cách đánh "độc" nhất là “lồng mỏ”, nhưng hiếm có con chim nào biết sử dụng miếng đòn này. Nếu đã dùng đến cách đánh “lồng mỏ” thì đối phương gan mấy cũng phải đầu hàng. Trong cuộc chiến, chim nào ra được nhiều đòn hơn là thắng cuộc. Cũng có con sau một vài lần giáp trận bị thua, sợ không dám đấu nữa. Chim kia sẽ thắng tuyệt đối. Trường hợp chim đã thắng tuyệt đối, xông vào con thua để đánh chết thì chủ chim có thể chịu thua để cứu chim của mình. Chọi chim có luật, những trận đấu để phân tài cao thấp giữa hai con gọi là “chọi đôi”. Con chim nhiều điểm nhất là "khôi nguyên", con đấu được đến cuối trận gọi là "điện quân". Giải khuyến khích gọi là trúng cách./.
Ngọc Linh