Chèo hiện đại phải giữ được căn cơ của truyền thống

12:12, 11/12/2011

Cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác, cuộc sống hôm nay đặt nghệ thuật chèo vào tình trạng loay hoay tìm lại chỗ đứng trong lòng khán giả. Tự làm mới mình để thích nghi với hơi thở thời cuộc và cũng là mục tiêu của Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2011 tại Thái Bình từ ngày 26-11 đến ngày 5-12.

Một cảnh trong vở diễn

Một cảnh trong vở diễn "Chiến trường không tiếng súng" của Nhà hát Chèo Nam Định. Ảnh : Xuân Thu

Trong nhiều liên hoan, hội diễn chèo trước đây đã có một số vở diễn mang hơi hướng hiện đại được các nhà chuyên môn đánh giá khá cao như: "Cà-phê chín đỏ" (Đoàn nghệ thuật Chèo Thanh Hóa), "Chiến trường không tiếng súng" (Nhà hát Chèo Nam Định), song phần lớn các tác phẩm vẫn là những vở diễn mang cốt dân gian, huyền thoại, dã sử... Phải đến Liên hoan sân khấu chèo 2011, lần đầu tiên, tất cả các đơn vị nghệ thuật chèo toàn quốc mới nhất loạt gửi dự thi các vở diễn về đề tài hiện đại. Trước hiện thực thiếu vắng khán giả của sân khấu chèo truyền thống, việc hướng chèo khai thác những đề tài hiện đại là bước đi đúng đắn và khôn ngoan của những người hoạt động trong lĩnh vực chèo. Vì thế, thời điểm này tuy bàn đến có phần hơi muộn, song việc tổ chức Liên hoan sân khấu chèo về đề tài hiện đại 2011 vẫn là một hoạt động cần thiết và thực tế để từ đó, những nhà quản lý cũng như những người hoạt động chèo nói chung trả lời được câu hỏi: chèo hiện đại đang ở đâu trong lòng công chúng? Chèo hiện đại đã làm được gì và chưa làm được gì cho cuộc sống đương đại?

Tham gia Liên hoan có sự góp mặt của gần 500 diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ chèo đến từ 12 nhà hát, đoàn chèo trong cả nước, với 15 vở diễn về đề tài hiện đại. Bên cạnh những cái tên gợi nhớ những tích trò truyền thống như "Đào lý một cành" (Nhà hát Chèo Hải Dương), "Thương nhớ trầu cau" (Nhà hát Chèo Quân đội), có nhiều vở diễn mang đến sự hiện đại ngay từ tên gọi như: "Chuyện tình người mất tích" (Nhà hát chèo Hà Nội), "Vẹt" (Đoàn nghệ thuật Chèo Thanh Hóa), hay "Giếng khơi trong lòng phố" (Nhà hát Chèo Việt Nam). Qua các vở diễn, có nhiều vấn đề trong cuộc sống đương đại được khơi gợi, khiến người xem phải nghĩ ngợi, băn khoăn: Từ nỗi lo "chẳng còn đất mà chôn" của bà mẹ nông dân trước hiện thực đất làng bị chiếm dụng trong "Đất làng" (Nhà hát Chèo Thái Bình); đến câu chuyện trái ngang dang dở của mối tình "tay tư" trong "Thương nhớ trầu cau" (Nhà hát Chèo Quân đội); hay nghị lực phi thường của người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới ở "Trăng khuyết" (Nhà hát Chèo Nam Định). Sáng tác và chuyển thể chèo về đề tài hiện đại là việc khó, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả một tập thể, từ làm kịch bản, làm nhạc đến diễn xuất... Nói như Ths Trần Minh Phượng, Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam: "Trên con đường sáng tạo nhằm xây dựng một nền nghệ thuật dân tộc - hiện đại, chúng ta đã khám phá được nhiều vẻ đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống mà ông cha để lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khá lúng túng trong việc kế thừa và phát triển vẻ đẹp đó khi xây dựng những vở chèo mới, bằng chứng là ngành chèo qua mấy thập kỷ cố gắng cho đến nay, vẫn chưa nhất trí phát triển theo một hướng cụ thể nào". Cũng vì không đơn giản cho nên Liên hoan chèo về đề tài hiện đại dù chấp nhận những tác phẩm tham dự được sáng tác trong thời gian khá dài: từ đầu năm 2006 đến tháng 9-2011 vẫn có số lượng vở diễn ít hơn nhiều so với các liên hoan, hội diễn trước đây. Song giữa những điểm được và chưa được khi thể hiện về đề tài hiện đại, các vở diễn tham dự Liên hoan vẫn là sự thể nghiệm giàu giá trị trước khi xác định hướng phát triển đúng đắn cho chèo hiện đại.

Bàn về những yếu tố tạo nên sức sống của chèo hiện đại, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, chèo hiện đại muốn chạm đến trái tim của công chúng đương đại cần bám sát hơi thở cuộc sống và đối thoại được với khán giả, tức khơi gợi được những vấn đề thời đại khiến công chúng nghĩ suy, chiêm nghiệm. Song, dù chèo có được cách tân hiện đại đến đâu cũng vẫn phải giữ được "hồn vía" của chèo truyền thống, với cách kể chuyện riêng, mang cái "hơi chèo", thiên về ước lệ tự sự bằng ngôn ngữ giàu chất trữ tình. Đó cũng chính là cái "căn cơ" của chèo theo cách nói của PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái. Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn, NSƯT Lê Huệ cũng cho rằng, một vở chèo hiện đại hấp dẫn chính là câu chuyện đời trong cuộc sống đương đại được phản ánh bằng những phương tiện của chèo truyền thống, kết hợp nhuần nhụy những làn điệu chèo cổ với những lời ca mới được sáng tác. Nếu như chèo cổ có tiết tấu chậm rãi, đủng đỉnh thì chèo hiện đại cần được khai thác với tiết tấu nhanh hơn, khẩn trương hơn để phù hợp với dòng chảy thời cuộc.

Có một số ý kiến cho rằng, chèo hiện đại chính là chuyển thể từ kịch nói sang chèo, song rõ ràng, ý kiến này là phiến diện. Nếu chèo cũng có những lớp lang như kịch, cũng khai thác những xung đột, mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm như kịch, thì dù trong vở diễn vẫn ngân nga những làn điệu chèo, cũng không còn là chèo nữa. Bởi cái làm nên chất "say" của chèo chính là sự mộc mạc, giản dị trong đối thoại, mà theo cách lý giải của Ths Minh Phượng chính là vẻ đẹp của thơ ca, của những giai điệu mượt mà, của những dáng vẻ tạo hình thân thể. Sáng tác chèo hiện đại không có nghĩa là cốt chèo phải hoàn toàn hiện thực như cuộc sống diễn ra hằng ngày. Chèo hiện đại vẫn có thể phát triển theo những nguyên tắc của chèo truyền thống. Trải qua hơn 35 năm nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm kịch bản chèo về đề tài hiện đại, trong một bài tham luận của mình, TS Trần Đình Ngôn khẳng định: "Chèo hiện đại hoàn toàn có thể tạo dựng trên yếu tố huyền thoại và những miếng trò hiện thực giả định. Ngày nay, khái niệm "tính chân thực" đã được mở rộng, càng thoát xa quan niệm chân thực một cách máy móc cực đoan, đến tự nhiên chủ nghĩa. Việc tạo dựng yếu tố huyền thoại và các miếng trò hiện thực giả định chẳng có gì mới mẻ, bởi cha ông ta đã từng làm, và nhờ đó mà chèo có phong vị riêng, có những tinh hoa độc đáo". Có thể nói, việc phát triển chèo về đề tài hiện đại dựa trên nguyên tắc của chèo truyền thống chính là sự trở về kế thừa và phát huy truyền thống, làm đậm đà hơn bản sắc chèo trong chèo hiện đại, không để chèo biến dạng thành một hình thức sân khấu lai tạp./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com