Là một trong những tinh hoa của truyền thống nghệ thuật dân tộc, hàng trăm năm qua, sân khấu truyền thống (gồm tuồng, chèo, cải lương cùng một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn khác) đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần - thẩm mỹ của các thế hệ người Việt Nam. Mấy mươi năm trước đây, hầu như mỗi người Việt Nam đều đã được thưởng thức các vở chèo, tuồng, cải lương chứa đựng những phẩm chất văn hóa tinh thần giúp con người hướng tới chân - thiện - mỹ. Rồi cùng với thời gian và quá trình phát triển của cuộc sống hiện đại, với sự phong phú về phương tiện truyền tải, với tính đa dạng của các loại hình nghệ thuật mới như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu kịch nói, đặc biệt là khi nhu cầu thẩm mỹ của công chúng - nhất là công chúng trẻ, đã đạt tới một trình độ mới,... thì sân khấu truyền thống không còn giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt nghệ thuật của xã hội. Tình trạng này đã và đang đặt ra câu hỏi: Cần phải làm gì, phải làm như thế nào để sân khấu truyền thống có thể tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
Một trích đoạn trong vở cải lương "Tống Chân - Cúc Hoa" do học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định) biểu diễn.
Ảnh:
Việt Thắng
|
Những năm qua, các cơ quan hữu quan cùng nhiều tác giả tâm huyết với sân khấu truyền thống đã rất cố gắng để sáng tạo nên tác phẩm mới, để sân khấu truyền thống không chỉ có mặt trong đời sống, mà còn hấp dẫn công chúng cảm thụ. Trong đó, phải nhắc tới các tìm tòi, sáng tạo về đề tài, cách tân cách thức tổ chức tác phẩm, bổ sung thành phần nghệ thuật mới,... Nhưng dù vậy, các tìm tòi, sáng tạo mới trong sân khấu truyền thống vẫn chưa mang tới hiệu quả nghệ thuật cao, chưa thu hút được công chúng. Về thực trạng này, tại hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL) và Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ múa đã phối hợp tổ chức gần đây, nhiều ý kiến tâm huyết đã được trình bày nhằm "tìm khán giả cho sân khấu truyền thống - yếu tố sống còn cho sự tồn tại của loại hình này". Cho dù cách thức tổ chức biểu diễn mới cho sân khấu truyền thống là kết quả tổng hòa cố gắng về lý luận - thực tiễn của các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật và các nghệ sĩ, thì cũng cần tham khảo một số ý kiến được trình bày tại hội thảo như: "muốn bảo tồn sân khấu phải bảo tồn chủ yếu bằng các vở diễn, vai diễn, qua sự sáng tạo đầy sức mạnh nhân thân và cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ nối tiếp nhau", "Muốn nâng cao vị thế của nghệ thuật truyền thống, không thể dùng biện pháp hành chính hay kinh tế, mà chính là nỗ lực nội tại của giới sân khấu", "cần định hướng lâu dài và toàn diện công tác đào tạo, cả diễn viên, nhạc công lẫn đạo diễn và tác giả. Để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản, cần đầu tư cho hoạt động sáng tác theo tiêu chí hiệu quả, đúng trọng tâm, đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu", "muốn phát triển cái mới phải gìn giữ cái gốc cũ đã tạo ra nó... Cần xây dựng quan hệ thân thiết, lâu dài giữa học sinh phổ thông với các nhà hát, tạo sự yêu thích sân khấu dân tộc từ rất sớm... Nhà hát, nhà trường cũng là nơi gìn giữ các giá trị nghệ thuật kinh điển, sẽ là điểm giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống cho mọi người trong và ngoài nước muốn tìm hiểu sâu"./.
Theo: nhandan.com.vn