Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện Luật Di sản văn hóa, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong số gần 2.000 di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương trong tỉnh, đã có 289 di tích được xếp hạng, trong đó có 214 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 75 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Song song với việc các di tích được công nhận, xếp hạng, công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất phương án bảo tồn được đẩy mạnh. Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về văn hóa thời Trần, danh nhân văn hóa… được tập trung nghiên cứu và đang được áp dụng vào thực tiễn nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa.
Lễ hội Đền Trần năm 2011. |
Từ năm 2001 đến nay, nhiều di tích đã và đang được đầu tư nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống. Là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần, số lượng di tích liên quan đến thời Trần, liên quan đến các danh tướng thời Trần chiếm một số lượng đáng kể trong kho tàng di sản văn hóa của tỉnh. Tiêu biểu là Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp. Đền Trần - khu di tích hiện đang lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử văn hoá thời Trần đã và đang được bảo tồn, khai thác, góp phần phát huy bản sắc dân tộc và giới thiệu những bài học giá trị về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Chùa Phổ Minh, một trong những ngôi chùa cổ nhất của Phật giáo nước ta đã được tu bổ đúng với bố cục kiến trúc ban đầu. Là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật tập trung tại Khu di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) cũng đã từng bước được đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, các di tích như đền Bảo Lộc, đình Cao Đài, đình Sùng Văn (Mỹ Lộc), chùa Đệ Tứ (TP Nam Định), chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường), đình Hưng Lộc (Nghĩa Hưng), đình Thượng Đồng (Ý Yên), cầu Ngói - chùa Lương (Hải Hậu), chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)… đã và đang được đầu tư với nhiều mức độ khác nhau nhằm lưu giữ các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống. Các di tích cách mạng khác cũng đang được nghiên cứu và từng bước được quy hoạch, bảo tồn. Các di tích được công nhận xếp hạng đều được chính quyền địa phương thành lập ban quản lý di tích, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích. Hiện nay, tổng số người tham gia ban quản lý của 289 di tích đã được xếp hạng trên toàn tỉnh lên tới gần 2.000 người. Từ năm 2001 đến nay, Bộ VH, TT và DL đã hỗ trợ tỉnh ta hàng chục tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích đã thu hút được sự đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Nhiều di tích trở thành những địa chỉ hấp dẫn khách tham quan du lịch.
Cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội. Toàn tỉnh hiện có 100 lễ hội truyền thống được tổ chức tại di tích hàng năm. Các lễ hội đã thu hút hàng triệu lượt khách về tham dự, điển hình là Lễ Khai ấn và Lễ hội đền Trần, chợ Viềng xuân, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chùa Đại Bi, lễ hội chùa Lương…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa vẫn còn một số hạn chế như: Vẫn còn tình trạng vi phạm di tích. Ở một số địa phương thực hiện việc tu bổ di tích chưa tuân thủ theo quy định của Luật Di sản trong việc tôn trọng giá trị gốc, thiếu sự quy hoạch, thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng...
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học, trong đó đặc biệt lưu ý tới quy hoạch bảo tồn khu di tích đền Trần, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Tháp Phổ Minh, Khu di tích Phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật, văn bia; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Tăng cường công tác quản lý các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội vùng, miền và các lễ hội mang tầm quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận