Đâu rồi một mảnh hồn quê...

10:11, 18/11/2011

Lâu lắm tôi mới có dịp về quê. Quê tôi giờ đổi mới nhiều quá! Những ngôi nhà mái bằng hai tầng, ba tầng chạy thành dãy dài thay cho những ngôi nhà mái ngói, mái rạ. Chạy xe một vòng quanh làng tôi chẳng còn thấy những bức vách trát đất trộn rơm ngày xưa đâu nữa, con đường đất ngày trước tôi đi học trời mưa trơn, ngã lên ngã xuống giờ đã thay bằng con đường láng xi măng phẳng lì. Tự nhiên tôi thấy nhớ tiếc cảnh cũ người xưa nhưng cũng chợt mừng vì quê mình - vốn là một vùng chiêm trũng nghèo ở đồng bằng Bắc Bộ nay đã thay da đổi thịt.

Có một điều lạ là tôi tuyệt nhiên không gặp những người đàn ông trong làng. Hỏi ra mới biết làng tôi đang có trào lưu đi lao động xuất khẩu, phần lớn nam giới ở độ tuổi lao động trong làng giờ đang ở tận Malayxia, Iran, Irắc… xa xôi. Thì ra cái gọi là “xuất khẩu lao động” đã tràn về quê tôi khiến những người đàn ông vốn là trụ cột gia đình không vướng bận con cái đều xuất ngoại bán sức lao động kiếm tiền. Quê tôi đồng đất cò bay thẳng cánh nhưng quanh năm chỉ hai vụ lúa, thêm một vụ màu đông xuân tính ra cũng chỉ đủ cái ăn nên đồng tiền rất hiếm hoi. Trong khi đó bao nhiêu thứ tiền phải trang trải, tiền học cho con, tiền ma chay, cưới xin, tiền đóng góp cho việc làng, việc nước… Đó là chưa kể đến những việc lớn như tậu xe, làm nhà vốn là những “trọng trách” đặt lên vai người đàn ông, nếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng thì đâu làm gì được. Thế là nhà nhà rủ nhau chạy vạy “cửa” nọ, “cửa” kia, tìm manh mối hòng kiếm cho được một suất đi lao động nước ngoài. Nam giới trong làng đi hết, còn lại mẹ già con dại, rồi việc đồng áng, việc nhà… đều nhờ cậy vào đôi vai gầy của những người vợ chân yếu, tay mềm. Bước chân ra đi không an lòng nhưng đành vậy… Âu cũng là bởi cái kế sinh tồn…

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Rẽ vào xóm dưới bất chợt tôi gặp hai mẹ con người chị họ đang thồ lúa từ đồng về. Người mẹ tay cầm càng, còn cậu con trai cố hết sức đẩy xe lên dốc. Cả xe lúa cao chất ngất như muốn oằn mình xuống bởi sức người không đỡ nổi. Tôi xuống xe lại giúp họ một tay. Chiếc xe bò lên dốc và tiếp tục những bước nặng nhọc dưới cái nắng hè oi ả. Tôi thấy lòng chống chếnh đến lạ. Những công việc nặng nhọc của nhà nông cần lắm bàn tay những người đàn ông…

Quê tôi trước đây nổi tiếng với nghề thêu. Nghe nói sản phẩm thêu của các chị, các em trong làng còn được xuất khẩu sang tận châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… Nhưng nay nghề truyền thống này cũng đang mai một dần, trong làng chỉ còn lác đác vài nhà còn giữ được nghề. Nguyên nhân cũng nhiều, vì không có đối tác, không tìm được bạn hàng ưng ý, bị ép giá hay đơn giản là thu nhập từ nghề thêu không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày mà lại vất vả, cặm cụi sớm hôm… Có lẽ còn một cách giải thích ở tầm “vĩ mô”, đó là địa phương chưa có một chiến lược đầu tư đúng mức để phát triển làng nghề. Không tìm ra cách kiếm tiền, người nông dân quê tôi lại phải loay hoay tìm hướng đi bằng cách ra ngoài, phải đi thật xa mới làm giàu được, còn đồng ruộng, làng nghề chỉ như cái cớ để giữ họ quay về với quê hương mỗi dịp giỗ chạp, tết nhất. Và đúng là họ đã kiếm được tiền, nhiều nhà đã “đổi đời” thật.

Vậy là tôi đã hiểu. Vì sao quê tôi thay đổi nhanh chóng như vậy. Mừng thì thật mừng nhưng tôi vẫn cứ thấy lo âu đến lạ. Có đồng tiền, người dân bắt đầu nghĩ ra cách để tiêu nó. Có nhà biết tính toán thì đem tiền kinh doanh hay gửi tiết kiệm, nhưng phần lớn các gia đình đều tính cách xây nhà thật to, nhà ba bốn tầng khang trang nhưng cửa đóng then cài kín mít. Vậy là cái không khí vốn xởi lởi của làng quê nay không còn nữa. Cùng với cái ấm no, đổi mới là những tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, ma túy… xuất hiện và phát triển.

Tạm biệt quê hương tôi cứ hình dung đến những tiếng cười trẻ thơ trong trẻo ngân vang, để cái bình yên của làng quê nghèo ngày xưa vẫn còn mãi với thời gian, đồng hành cùng sự đổi mới, để mỗi người con khi về thăm quê không còn phải tự vấn: Hồn quê hương biết tìm nơi đâu…

Theo: Quân đội nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com