Thiên nhiên Nga qua một tâm hồn Nga...

09:11, 04/11/2011
Nếu thiên thần đồng thanh cất tiếng gọi:
- Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường!
Tôi sẽ nói: - Thiên đường tôi chẳng lấy
Trao cho tôi Tổ quốc yêu thương!

Tác giả của những câu thơ giản dị, chân thành hết mực này là Ê-xê-nhin (Esenin, 1895-1925), một thi sĩ Nga từng được ví như cây đại phong cầm do thiên nhiên tạo ra để dành riêng cho thơ ca, để thể hiện nỗi buồn vô tận của đồng quê Nga, thể hiện tình yêu và lòng nhân ái...

Ba mươi năm hiện diện giữa cuộc đời, Ê-xê-nhin đã dành cả quỹ thời gian ngắn ngủi ấy cho thơ ca, cho thiên nhiên và con người Nga nồng hậu. Tình yêu đắm đuối với Tổ quốc đã khiến nhà thơ tìm đến với thiên nhiên như một điều tất yếu, bởi thiên nhiên Nga chính là biểu trưng sinh động cho nước Nga vàng - hãy vang ngân réo rắt như ông đã viết. Cả tuổi thơ được ấp ủ trong không gian của làng quê Nga mộc mạc, thanh bình đã lưu đọng lại trong tâm hồn nhà thơ, trở thành một “vùng thẩm mỹ” đặc biệt trong sáng tạo của ông:

Miền quê thân yêu! Con tim mơ ước
Làn nước xanh đầy ánh nắng mặt trời.
Tôi chỉ muốn giá mà tôi mất hút
Vào màu xanh khúc giao hưởng của người

Thiên nhiên ngời sáng trong ngôn ngữ thơ Ê-xê-nhin là một thiên nhiên “động”, có hồn. Tất cả đều như cựa quậy, chuyển động, giao hoà với nhau trong không khí yên ả, thanh bình mang màu sắc cổ tích: Bầu trời xanh và vòng cung màu sáng/ Bờ thảo nguyên lặng lẽ chạy vòng quanh/ Trên ngôi làng làn khói đang bay lượn/ Đám cưới quạ khoang làm bờ giậu nhẹ nhàng... Nhà thơ đã nhân hoá tất thảy, đã thổi hồn cho hết thảy. Từ giọt nước xanh còn đọng trên cây cỏ đến màn sương trong rừng mơ màng ngủ… đều mang tâm hồn Nga rất đỗi thuần hậu, dịu dàng. Ê-xê-nhin đã dành những màu sắc đẹp nhất, tươi sáng nhất để làm nổi bật cho được cái đẹp, cái hồn ẩn sau những cái tưởng chừng giản dị và bình thường ấy:

Tôi chạy theo lối mòn hoa cỏ nát
Ra bao la đồng ruộng trải ngát xanh
Tôi chỉ muốn được ôm vào, ghì sát
Những ngực trần trắng mịn của bạch dương...

Quảng truờng Đỏ, Mát-xcơ-va (CHLB Nga).
Quảng truờng Đỏ, Mát-xcơ-va (CHLB Nga).
Ảnh: Internet

Thiên nhiên của đồng quê Nga, nông thôn Nga qua ngòi bút Ê-xê-nhin bình dị, đẹp đẽ, thân thương, chân thực và trữ tình quyến rũ. Trái tim nhà thơ, tưởng chừng như trái tim của Đanko, cũng sáng rực tình yêu của thi sĩ đối với nước Nga. Các hình tượng thiên nhiên được chạm khắc vừa là nơi bộc lộ vẻ đẹp của Tổ quốc Nga, vừa bao chứa cả tình yêu bỏng cháy, đắm đuối ấy. Trước thiên nhiên, không ít lần nhà thơ bày tỏ trực tiếp niềm mến yêu nồng thắm: Ôi nước Nga yêu dấu của tôi ơi/ Nhà gỗ thông của Người mang tượng Chúa/ Một màu xanh tít tắp tận chân trời/ Cho đôi mắt được ngắm nhìn thuê thỏa. Dòng cảm xúc của tác giả luôn phủ tràn lên những hình ảnh thiên nhiên, khiến thiên nhiên như được bao bọc bởi một lớp mật quyến rũ gợi cảm. Với sự tinh tế, mẫn cảm của một tâm hồn nghệ sĩ đích thực, Ê-xê-nhin đã căng mở mọi cảm giác để đón nhận thiên nhiên:

Tôi lại nhìn thấy bờ đốc quen thuộc
Với màu đất sét đỏ,liễu bờ buông
Lúa kiều mạch mơ màng bên hồ nước
Thơm ngát mùi hoa hoa cỏ với mật ong”

Sự cảm thụ thiên nhiên cũng là một kiểu khẳng định sự tồn tại của cá nhân thi sĩ. Ê-xê-nhin đã sống cuộc đời ba mươi năm với bao biến cố, thăng trầm. Thiên nhiên phản chiếu cả tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ theo một chuỗi trình tự logic nhất định. Thời kỳ đầu, khoảng những năm 1914-1918, Ê-xê-nhin viết về thiên nhiên tươi rói dòng cảm xúc vui tươi hào hứng. Thiên nhiên đẹp khi nó hội tụ cả tình yêu và niềm tin sáng ngời của nhà thơ về tương lai, quê hương, đất nước:

Ôi, tôi tin! Tôi tin đời hạnh phúc!
Và mặt trời còn chưa tắt hào quang...

Ông say sưa cất lời ngợi ca. Lời thơ không giấu nổi nỗi vui sướng ngập tràn: Nước Nga vàng hãy vang ngân réo rắt/ Ngọn gió cuồng hãy lay động xốn xang/ Hạnh phúc kẻ đem niềm vui dào dạt. Niềm vui tự lòng người đã lan sang cảnh vật. Nhưng càng về sau, do sự thay đổi của xã hội Nga sau cải cách kinh tế, Ê-xê-nhin không tự hòa hợp được với biến chuyển của xã hội nên nhà thơ rơi vào bi kịch. Buồn đau vì một nước Nga xưa cũ không còn, ông đằm mình trong rượu, ru mình vào một ảo tưởng của quá khứ. Thiên nhiên trong tưởng tượng của thi sĩ trên con đường trở về với cái "đẹp xưa” như ru vỗ nhà thơ, bao bọc, an ủi tâm hồn tác giả. Đắm mình trong thiên nhiên như một biện pháp cứu rỗi tâm hồn, nhưng hiện thực xã hội xót xa lại xâm chiếm cõi lòng thi nhân đa cảm. Trong những năm cuối đời (1924-1925), thơ ông nhuộm kín nỗi buồn, khi man mác, khi da diết: Những cánh rừng bạch dương sao yêu quá!/ Mặt đất này, những cồn cát yêu thương/ Giờ đứng trước đám đông người thiên cổ/ Tôi biết làm sao giấu được nỗi buồn... Có khi, đối diện với thiên nhiên, Ê-xê-nhin mang nỗi ám ảnh về cái chết: Bình nguyên tuyết trắng, trăng màu trắng/ Chiếc áo quan trùm kín cả bầu trời/ Những cây bạch dương khóc trong rừng vắng/ Ai chết nơi này? Ai chết? Chính là tôi?

Quả nhiên, nhà thơ sau đó đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Trước sau, dù khi ngập tràn hạnh phúc niềm tin, hay khi buồn bã thất vọng, thiên nhiên Nga, đất nước Nga vẫn ấp ôm tâm hồn thi sĩ. Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Ê-xê-nhin là biểu trưng cho Tổ quốc Nga, là biểu hiện sinh động thế giới tinh thần của cái tôi trữ tình Ê-xê-nhin. Đọc thơ Ê-xê-nhin viết về thiên nhiên, ta thấy như tâm hồn mình được thanh lọc, trong sáng hơn, thanh khiết hơn. Thơ Ê-xê-nhin, đó là kinh thánh của tâm hồn Nga, của lòng nhân từ, của đức tin vào con người!

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com