Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011 - Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Ca trù

08:11, 16/11/2011

Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011 do Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16-10-2011, nhằm tạo điều kiện để các ca nương, kép đàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời đáp ứng yêu cầu kiểm kê di sản văn hóa Ca trù của UNESCO và thực hiện những cam kết trong hồ sơ đề cử với UNESCO Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể năm 2009. Qua đó các nhà quản lý, cán bộ nghiệp vụ đến từ 15 tỉnh, thành và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Ca trù.

Độc đáo nghệ thuật Ca trù Nam Định

Đại diện cho các CLB Ca trù ở tỉnh ta, CLB Ca trù huyện Ý Yên tham dự với 3 tiết mục: Hát nói “Nam Quốc Sơn Hà một cõi linh thiêng”, “Hát ru lời cổ” (Bùi Thị Ngọc Lan) và Hát nói “Trấn Sơn Nam địa linh” (Nguyễn Thị Lý). Các tiết mục của CLB Ca trù huyện Ý Yên đã để lại trong lòng khán giả ấn tượng đẹp về nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Các nghệ nhân Ca trù vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận Nghệ nhân dân gian.
Các nghệ nhân Ca trù vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận Nghệ nhân dân gian.

Nghệ thuật Ca trù Nam Định gắn liền với tên tuổi của các đào nương đã vang danh sử sách cũng như phong trào diễn xướng của loại hình nghệ thuật độc đáo này tại các làng quê trong tỉnh. Đó là ca nương tài, sắc Trần Thị Ngọc Đài vùng đất Thiên Bản xưa, nay là xã Cộng Hoà (Vụ Bản), được dân gian phong là Bà Chúa Thông Khê, trở thành một trong 6 sự tích kỳ lạ của vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”. Theo truyền thuyết, ca nương Ngọc Đài sinh năm 1577, từ nhỏ đã nổi tiếng trong vùng về hát hay, múa dẻo, theo cha mẹ đi hát; sau đó, được Chúa Trịnh phong làm Thái phi. Thế kỷ XVIII, nghệ thuật Ca trù phát triển mạnh tại xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), xã Đồng Sơn (Nam Trực)… Nói đến nghệ thuật Ca trù Nam Định, không chỉ những đào, kép “hát hay, đàn giỏi” mà còn phải nhắc tới nhà thơ Trần Tế Xương, tác giả của nhiều bài hát Ca trù nổi tiếng như: “Thi hồng”, “Ngẫu chiếm”, “Diễu bạn”, “Chú Mãn”. Về giá trị nghệ thuật, Ca trù Nam Định có hơn 40 thể, chia làm 3 lối hát chính: hát cửa đình, hát thi và hát chơi. Hát cửa đình là lối hát gắn với tục thờ thần hoàng làng, có nội dung ca ngợi công đức của các anh hùng dân tộc, những danh nhân, các vị tổ nghề đã có công khai ấp, lập thôn, trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước… Lối hát này có các thể chính như: dâng hương, đọc phú, tấu nhạc, múa bài bông, giáo trống, giáo hương. Lối hát thi thường gắn với đời sống hằng ngày, được tổ chức tại cửa đình. Hằng năm, vào mùa xuân, các làng thường mở hội, tổ chức cuộc thi ở cửa đình để tuyển chọn đào hay kép giỏi, qua đó, các đào nương chính thức làm lễ “mở xiêm áo” và được công nhận hành nghề. Hát thi có 4 giai đoạn là vãn, chầu thi, chầu cầm; trong đó, chầu thi gồm 28 thể, chầu cầm gồm 17 thể dành cho đào và kép. Hát chơi là lối hát được phổ cập, có nội dung phóng khoáng với các bài hát tả tình với các thể chính như: hát nói, hát ru, ngâm vọng, kể truyện, tỳ bà, nhịp ba cung… Trong nghệ thuật Ca trù, bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc có vai trò quan trọng, gồm cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Âm hưởng trống chầu trong Ca trù khác biệt so với nghệ thuật Tuồng, hát Bội; lối hát Ca trù và phách đệm phức tạp, kết hợp phức điệu tinh tế với đàn đáy và trống chầu trở thành một bản hoà tấu đa âm sắc, tỏ rõ nội dung lời ca và cảm xúc của người hát.

Bảo tồn nghệ thuật Ca trù

Hiện nay, trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể, tuy Ca trù đang được quan tâm đầu tư nghiên cứu, song, những giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc này chưa được phục dựng nguyên thể, bên cạnh đó, còn thiếu lực lượng diễn viên kế cận.

Ca nương Bùi Thị Ngọc Lan (CLB Ca trù huyện Ý Yên) được Ban tổ chức trao Bằng khen với hai tiết mục xuất sắc tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011. Sinh thành trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tại xã Yên Xá, từ nhỏ, Ngọc Lan đã được các nghệ nhân như Nguyễn Viết Thân, Bùi Thị Tác, Nguyễn Viết Lư, Nguyễn Viết Hạt dạy đàn, nẩy giọng. Mẹ Ngọc Lan cũng là ca nương có chất giọng hay, âm vực rộng. Năm 2002, CLB Ca trù huyện Ý Yên thành lập với 9 hội viên. Là ca nương trẻ nhất CLB, năm 2005, lần đầu tiên tham dự Liên hoan Ca trù toàn quốc, Ngọc Lan đã giành Huy chương Bạc và giải thưởng “Diễn viên trẻ triển vọng”. Tiếp đó, tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật dân tộc khu vực và toàn quốc, Ngọc Lan đã khẳng định được tên tuổi trong nghệ thuật biểu diễn Ca trù của cả nước với nhiều giải thưởng cao. Ngày 15-4-2010, tại Hà Nội, Bộ VH, TT và DL tổ chức Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO công nhận nghệ thuật Ca trù là Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại, Ngọc Lan là một trong những ca nương trẻ được chọn biểu diễn, được khán giả trong nước và quốc tế yêu mến.

Bảo vệ di sản Ca trù là nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành và địa phương. Mọi biện pháp đều hướng về công tác phục dựng, truyền dạy và biểu diễn. Sau khi Ca trù được UNESCO ghi danh (năm 2009), các CLB, nhóm Ca trù đua nhau thành lập. Nhiều người trẻ mong muốn tham gia học đàn hát Ca trù. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc tự tìm hiểu, học nghề, truyền nghề khá dễ dãi, trong khi Ca trù đòi hỏi năng khiếu, giọng hát, gân đàn, độ tuổi và quan trọng là những quy tắc nghề nghiệp mà các cụ rất khắt khe coi trọng. Hiện nay, có nhiều nhóm Ca trù, CLB thành lập và có hoạt động, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì chất lượng còn hạn chế, chạy theo thành tích và phong trào là chính. Công tác bảo tồn, khôi phục Ca trù gặp khó khăn bởi quan niệm tiêu cực; cần có cách nhìn và đánh giá đúng về nghệ thuật Ca trù, đồng thời có những chính sách đầu tư hợp lý nhằm khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật Ca trù nói riêng và các hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian nói chung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Luật Di sản văn hoá. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành VH, TT và DL mà cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành và cả cộng đồng./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com