Làng nghề truyền thống và bản sắc văn hóa

09:11, 25/11/2011

Từ xa xưa, Nam Định nổi tiếng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc. Nhiều sản phẩm làng nghề thủ công của địa phương gắn liền với mảnh đất, con người, đến mức tên của sản phẩm cũng là tên của làng như sơn quang Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, rèn Vân Chàng, hoa cây cảnh Vị Khê… Nhiều làng nghề nổi tiếng gần xa bởi sản phẩm có được bản sắc riêng và đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật.

Quá trình phát triển của mỗi miền quê, kinh tế và văn hóa luôn có sự tương tác, phát triển, nhất là ở các làng nghề. Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi, hầu như các làng thôn, xóm đều có nghề “phụ”, nếu phát triển tốt thì cả làng, xóm đó, thậm chí cả làng bên cũng tổ chức làm theo, rồi thành nghề truyền thống. Nhưng để hình thành làng nghề, với những thương hiệu nổi tiếng như rèn Vân Chàng, dệt Phương Định, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá… có khi phải bền bỉ tới hàng trăm năm, sáng tạo, kế thừa của nhiều thế hệ “cha truyền, con nối”. Làng nghề là nơi hội tụ những tay nghề giỏi, những nghệ nhân tài hoa, với những sáng tạo độc đáo được coi là “bí quyết gia truyền, bí quyết làng nghề”. Cùng là sản phẩm đồ gỗ, nhưng những mặt hàng sập gụ, tủ chè không nơi nào có kỹ thuật ghép mộng, nét chạm trổ bay bổng, sống động tài tình như ở La Xuyên; cũng là kỹ thuật sơn mài nhưng nước sơn ở Cát Đằng vừa đẹp vừa bền màu…

Nghề dệt truyền thống của xã Trực Chính (Trực Ninh) thường xuyên thu hút khoảng 800 lao động ở địa phương.
Nghề dệt truyền thống của xã Trực Chính (Trực Ninh).

Trong lịch sử đất nước và từng địa phương, nhiều ngành nghề truyền thống đã làm nên tên tuổi một con phố, một làng thôn, hay một vùng quê, theo đó là sự hưng thịnh mở mang của cộng đồng. Ngày nay, nhiều nghề truyền thống của Nam Định phát triển ra khắp nơi, vừa để quảng bá sản phẩm, vừa khai thác thị trường rộng lớn trong và ngoài nước, nhưng sản phẩm vẫn giữ được thương hiệu gốc. Bên cạnh đó, người dân làng nghề năng động, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã để sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. Sơn mài Cát Đằng xưa chỉ thể hiện trên gỗ, nay được chế tạo từ những mảnh ghép nứa thành những lọ, những bình, những đĩa với nhiều màu sắc sang trọng, huyền ảo, tinh xảo.

Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một trong những làng nghề nổi tiếng của Nam Định là làng hoa Vị Khê có sản phẩm “Khuê Văn Các” bằng cây cảnh độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Làng hoa Vị Khê tương truyền có từ thời Trần, nhà Trần tiếp nối nhà Lý xây dựng Đại Việt hưng thịnh, coi trọng khoa bảng để tìm người hiền tài giúp dân, giúp nước. “Khuê Văn Các” thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ý tưởng của tác phẩm cây cảnh làng Vị Khê vì thế không chỉ mang giá trị sáng tạo nghệ thuật mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Cũng là cây thế, nhưng cây cảnh Vị Khê có nét riêng, từ phong cách tạo dáng, uốn tỉa, chăm sóc đến sự “gửi gắm” của người nghệ nhân, để rồi “lan tỏa” đến khách hàng.

Nam Định hiện có 77 làng nghề với 29 làng nghề truyền thống, thu hút hàng vạn lao động, trong đó có 50 nghề được coi là lâu đời, nổi tiếng, có ý nghĩa văn hóa và kinh tế lớn. Trong tiến trình “công nghiệp hóa”, các nghề thủ công sử dụng máy móc đang ít nhiều mất đi sự tinh xảo vốn có. Phần lớn các sự kiện văn hóa lịch sử, được “gửi” vào sản phẩm và kỹ xảo độc đáo của nghề, của làng nghề ít được ghi chép, lưu giữ bằng văn bản. Các bậc nghệ nhân với những bí quyết, kinh nghiệm dân gian, kỹ xảo truyền thống ngày càng ít dần, trong khi giới trẻ làng nghề ngày nay trong vòng quay của cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất hàng loạt, nên sản phẩm mang dấu ấn riêng không còn được chú trọng. Nhiều người thợ làng nghề hôm nay không hiểu rằng, hàng thủ công mỹ nghệ của làng được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng đã có độ tuổi hàng trăm năm, là bởi giá trị của nghệ thuật thủ công, ở bản sắc văn hóa, ở tính độc đáo, trở thành sản phẩm văn hóa chứ không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng. Bởi vậy, khi giá trị truyền thống kết tinh trong sản phẩm để bị mai một thì thương hiệu sản phẩm của làng nghề sớm muộn cũng sẽ “nhạt” theo.

Ngày nay, cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, các làng nghề truyền thống còn có “sứ mệnh” giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc hội nhập quốc tế. Chỉ có giữ gìn được thương hiệu đích thực của mỗi làng nghề thì làng nghề mới được củng cố và phát triển không ngừng./.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com