Đến ngày 31-10-2011, tỉnh ta là một trong những địa phương đã hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL. Đối tượng kiểm kê gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian, bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Thông qua công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, là dịp tỉnh ta đánh giá về tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo. Từ kết quả, căn cứ danh mục kiểm kê, sẽ tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ VH, TT và DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Biểu diễn "Ba giá đồng" của Nhà hát Chèo Nam Định. |
Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, tỉnh ta là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ; có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính chất “đặc sản”, độc đáo trong di sản phi vật thể của quê hương Nam Định. Trước hết, ở loại hình diễn xướng dân gian, theo các nhà nghiên cứu, Nam Định là cái nôi của nghệ thuật chầu văn. Về mặt văn học (tức là ngôn ngữ và thể loại), hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát. Tỉnh ta có hai lễ hội lớn là lễ hội Trần và lễ hội Phủ Dầy. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, hát chầu văn ra đời từ nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Trong nghệ thuật chầu văn, ngoài việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây (nhạc cụ), chầu văn Nam Định được biết đến các làn điệu độc đáo như: điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn là quê hương “Chiếng chèo Nam” với hàng trăm làn điệu chèo thể hiện qua các tích diễn. Trong các dịp lễ hội, các làn điệu giao duyên được duy trì như hát trống quân ở làng Gạo (Vụ Bản), Nam Tiến (Nam Trực), Quần Anh (Hải Hậu). Đây là lối hát ứng tác thể hiện vẻ đẹp tinh tuý giữa nghệ thuật dân ca và vẻ đẹp trí tuệ, tinh thần của nhân dân.
Nam Định xưa cũng được xem là nơi phát tích của nghệ thuật múa bài bông - một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc, xuất hiện từ thời Trần. Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ. Theo sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, điệu múa bài bông do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ thái bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3. Còn theo nhà nghiên cứu Ngô Ngọc Linh, múa bài bông do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dựng nên. Tuy nguồn gốc và tác giả đến nay chưa có sự thống nhất, nhưng qua các nguồn sử liệu có thể khẳng định, múa bài bông là một loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của nước Đại Việt thời Trần, với trên 700 năm. Về nghệ thuật vũ đạo, các vũ sinh khi múa được trang phục
khá cầu kỳ với áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp xướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị. Múa bài bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát Xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào Xuân), tiếp đến là các bài Hạ, Thu, Đông. Múa bài bông được coi là “báu vật” của giáo phường, chỉ có giáo phường lớn mạnh hay được đi hát thờ ở trong mỗi dịp tế lễ đình, dinh quan, hay vào kinh hát chầu ngự vua mới có một đội múa bài bông. Về cơ bản, một đội múa bài bông ít nhất gồm 4 người và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người.
Ngoài các điệu dân ca độc đáo trên, tỉnh ta còn có nghệ thuật ca trù, hát xẩm. Hát xẩm là làn điệu mang đậm sắc thái dân gian; nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình làng nghĩa xóm con người, thấm đượm giá trị nhân văn. Nghệ thuật ca trù xuất hiện ở tỉnh ta từ thế kỷ XV có bước phát triển từ không gian cung đình đến các vùng nông thôn, từ môi trường nghi lễ tín ngưỡng tại cửa đình, cửa chùa cho tới các đám hội làng, hội vùng, hát mừng thọ, hát khao vọng, hát động viên binh sỹ.
Tỉnh ta có hàng trăm lễ hội. Cùng với phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nếu như lễ hội chùa Đại Bi, xã Nam Giang (Nam Trực) hấp dẫn du khách bởi trò chơi cờ người, hát rối, đấu vật thì hội đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) sôi nổi các trò chơi múa rồng, múa lân, cà kheo, chọi gà. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, kéo co tại lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); múa gậy tại lễ hội đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản); rước thỉnh kinh, hoa trượng hội tại lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).
Công tác kiểm kê di sản văn hóa ở tỉnh ta cơ bản được tổ chức theo quy trình: nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; tập huấn cho người tham gia kiểm kê, đặc biệt lưu ý đến tập huấn cho cộng đồng; khảo sát thu thập thông tin và lập các phiếu, danh mục kiểm kê; xây dựng báo cáo và lập hồ sơ kiểm kê… Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, vấn đề then chốt của việc kiểm kê là phải xác định cho được các biện pháp để bảo vệ di sản, điều này đòi hỏi sự quan tâm và cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Trước hết ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một hoặc có nguy cơ “thất truyền”. Thực tế, các trò chơi như đáo đĩa, kéo chữ trên sông, hát thanh đề, múa bài bông… giờ đây chỉ còn là “ký ức”. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ. Các loại hình âm nhạc độc đáo như hát xẩm, múa bài bông, ca trù phát triển sâu rộng đầu thế kỷ XX thì hiện nay, ngày một “vắng bóng” trong đời sống xã hội, có chăng chỉ xuất hiện tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật “không chuyên”. Điều này cho thấy, hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng quê hương.
Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và kiểm kê di sản văn hóa nói riêng, cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá để nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Bên cạnh đó sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Thực tế, trong công tác bảo tồn di tích trong giai đoạn hiện nay vẫn là ưu tiên cho việc chống xuống cấp, sau đó là tu bổ di tích rồi mới đến tôn tạo, xây mới. Đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích là một giải pháp quan trọng./.
Bài và ảnh: Việt Thắng