Âm hưởng từ “Đêm thơ Lê Đức Thọ”

02:10, 06/10/2011

Nằm trong các hoạt động thuộc chương trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, tối 4-10-2011, tại CLB Vỵ Hoàng (TP Nam Định), “Đêm thơ Lê Đức Thọ” do Tỉnh ủy, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức đã diễn ra trong không khí vừa trang trọng, vừa mang đậm chất thi ca.

Với những tập thơ đã xuất bản: “Trên những nẻo đường”, “Nhật ký đường ra tiền tuyến”, “Đường ngàn dặm”, “Gửi anh bộ đội” và rất nhiều bài chưa in, thơ Lê Đức Thọ thể hiện tầm cao của trí tuệ, lý tưởng, khát vọng; vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao quý của người cộng sản. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một đêm thơ, Ban Tổ chức chỉ lựa chọn những bài thơ tiêu biểu gắn với từng chặng đường hoạt động của đồng chí Lê Đức Thọ để giới thiệu đến mọi người. Qua lời dẫn truyền cảm của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và sự thể hiện xúc động của các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định và Nhà Văn hóa 3-2, 11 tác phẩm thơ được trình bày bằng các hình thức: Ngâm thơ, phổ nhạc đã khắc họa đậm nét chân dung một nhà cách mạng, nhà thơ có tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân nồng nàn, sâu sắc, có tinh thần quyết chiến, quyết thắng mãnh liệt và niềm lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng.

Tiết mục văn nghệ do các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Nam Định thể hiện tại đêm thơ.
Tiết mục văn nghệ do các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Nam Định
thể hiện tại đêm thơ.

Đồng chí Lê Đức Thọ sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng ở Nam Định khi mới 15 tuổi, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta. Khác với các thi sỹ đương thời làm thơ để bày tỏ những rung động đầu đời về tình yêu quê hương, gia đình, tuổi ấu thơ…, đồng chí Lê Đức Thọ bắt đầu sự nghiệp thơ ca với dư vị đắng cay của người cộng sản trong tù. Bài thơ “Xà lim oán” (sáng tác tại nhà tù Nam Định năm 1939) là tiếng nói đanh thép tố cáo bọn đế quốc đã sử dụng những hình thức tra tấn dã man đối với người cộng sản. Tuy nhiên, vượt lên những đau đớn về thể xác, tinh thần của người chiến sỹ cộng sản vẫn vững vàng, kiên định. Giữa chốn ngục tù tàn bạo, phi nhân tính, người chiến sỹ cộng sản không hề u sầu, ủy mị mà vẫn lắng nghe những âm thanh náo nức từ cuộc sống bên ngoài với niềm vui của người cầm chắc thắng lợi trong tầm tay: “Bâng khuâng một bóng, một mình/ Nghe chim ríu rít trên cành gọi ai”. Năm 1939, bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù, từ nhà tù Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ đã bị giải đi và nếm trải tận cùng những nỗi cơ cực ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình. Sau khi ra tù, tháng 10-1944, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên TW Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tết năm 1945, đón xuân trong thiếu thốn giữa bối cảnh đất nước còn chìm trong đêm tối, xóm thôn im tiếng pháo, bếp nhỏ vắng khói chiều, đồng chí Lê Đức Thọ với sự nhạy bén của người cộng sản vẫn tiên cảm một cuộc cách mạng long trời lở đất, một tương lai tươi sáng đang đến rất gần với dân tộc ta. Bài thơ “Ý xuân” vì vậy được xem là một trong những bài thơ hay nhất của đồng chí Lê Đức Thọ với 2 câu kết tràn đầy lạc quan, tin tưởng: “Những ngày tươi sáng không xa nữa/ Xuân mới đương về khắp thế gian”.

Không chỉ là nhà thơ tuyệt đối trung thành với lý tưởng, lẽ sống cao đẹp đã lựa chọn; nắm vững quy luật của cách mạng, có những linh cảm cách mạng rất tài tình, đồng chí Lê Đức Thọ còn là nhà thơ nặng tình thương mến với con người, với cuộc đời. Là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, mặc dù không phải người cầm quân, song đồng chí viết về người lính, về chiến tranh rất sâu sắc, thấm thía. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, trên hành trình công tác từ Bắc vào Nam, đồng chí đã đi qua nhiều chiến trường, có nhiều cuộc gặp gỡ cảm động. Khi thì là một cô lái đò kháng  chiến “Trên  bến  Khe  Hoa” để lại biết bao xao xuyến, bịn rịn: “Thuyền sao thuyền chóng đến bờ/ Chút tình non nước bao giờ gặp nhau”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ 4 lần được TW cử vào tăng cường chỉ đạo cách mạng miền Nam. Lần thứ 3 là vào tháng 3-1975, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam phổ biến nghị quyết về cuộc Tổng tiến công mùa xuân và cùng với một số đồng chí khác thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước khi đi, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư đã dặn: Đi lần này phải quyết thắng, không thắng phải ở lại đến khi chiến thắng hoàn toàn mới về. Đáp lại, đồng chí Lê Đức Thọ đã viết bài "Lời anh dặn", khẳng định quyết tâm giành chiến thắng. Cùng chung mạch cảm hứng này, bài thơ "Qua đèo Ngang" thể hiện khí phách người cộng sản và khí thế tấn công bừng bừng của quân dân ta, đồng thời dự cảm về một tương lai tốt đẹp: "Ngày vui thống nhất không xa nữa/ Nam Bắc sum vầy ta gặp ta". Sau chiến thắng mùa xuân 1975 chưa lâu, tiếng súng ở vùng biên giới Tây Nam lại nổ ra, tiếp đó là chiến tranh biên giới phía Bắc Tổ quốc. 72 tuổi, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn lên điểm tựa thăm các chiến sỹ. Ba mùa xuân liên tiếp 1983, 1984, 1985, ông đã viết thơ tặng những người cầm súng đang bảo vệ bờ cõi và cuộc sống yên bình của đất nước. Sau bài thơ "Điểm tựa", bài "Thăm anh" cùng chung cảm xúc về chuyến đi thăm biên giới, góp phần thắt chặt thêm sợi dây thân ái giữa Đảng và lực lượng vũ trang, giữa những người chiến sỹ bình thường với nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng.

Với 11 tác phẩm được chọn lọc, giới thiệu tại đêm thơ tuy chưa thể hiện được đầy đủ, toàn diện chân dung nhà thơ, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng - đồng chí Lê Đức Thọ - song với những tác phẩm thi ca ông để lại cho chúng ta, ảnh hưởng và giá trị của những vần thơ giàu nhân ái thì còn mãi. Đúng như lời tiếp nhận thơ Lê Đức Thọ của giảng viên trẻ Phạm Thị Minh Tâm (Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định), đại diện của thế hệ hôm nay đã bày tỏ khi khép lại đêm thơ: Thơ Lê Đức Thọ luôn gắn với thời điểm cách mạng, tràn đầy lạc quan tin tưởng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều đối tượng và sẽ mãi được đón nhận, trân trọng bởi mỗi bài thơ đều có giá trị bồi đắp cho chúng ta lòng yêu nước, lý tưởng, khát vọng sống cao đẹp của người cộng sản./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com