Nghệ nhân dân gian với việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

01:10, 13/10/2011

Nghệ nhân dân gian với bề dày về vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết về những tinh hoa văn hóa đã tích lũy được trong suốt cuộc đời, đã và đang lưu giữ cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống. Tổ chức UNESCO đã tôn vinh những người sáng tạo, lưu giữ, truyền bá kho tàng tri thức trong dân gian là "báu vật nhân văn sống". Tỉnh ta là vùng đất giàu có về di sản văn hóa với hàng trăm vùng văn hóa dân gian: hát chèo, rối nước, rối cạn, hát chầu văn; hàng trăm lễ hội và nhiều làng nghề truyền thống. Ở hầu hết các làng quê trong tỉnh đều có những nghệ nhân dân gian xuất sắc về một hoặc nhiều lĩnh vực của văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, làng hoa cây cảnh Vị Khê… với trí tuệ, sáng tạo và bàn tay tài hoa đã làm đẹp cho đời bằng các sản phẩm vô giá, các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Các nghệ nhân thuộc loại hình văn hóa phi vật thể lại giữ vai trò trọng yếu trong việc lưu giữ, biểu diễn, truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ dân gian cho thế hệ kế cận, để văn hóa dân gian của dân tộc được thẩm thấu, nhân rộng, chuyển tiếp từ đời này sang đời khác. Chỉ riêng lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tỉnh ta đã có nhiều nghệ nhân dân gian được tôn vinh ở cấp quốc gia, tiêu biểu là hai nghệ nhân: Đào Thị Sại và Hà Thị Cầu (đều ở huyện Ý Yên). Cụ Đào Thị Sại sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật hát văn. 13 tuổi, cụ Sại đã theo cha đi hát tại các hội làng, hội đình để mưu sinh. Chồng cụ, quê gốc ở Hải Phòng, cũng là người say hát văn, chơi đàn giỏi. Suốt cuộc đời, cụ Sại say mê tìm đến các vùng quê, trao đổi với các bạn nghề rồi "ghi chép" vào trong đầu những giá trị của hát văn cổ, từ kỹ thuật đến ca từ, nhịp phách. Cụ còn tận tâm truyền dạy cho những người tâm huyết muốn học hát văn… Cụ Hà Thị Cầu lúc 10 tuổi đã biết đủ các ngón nghề của một ca xẩm: tự hát, tự phách và kéo nhị. Những làn điệu xẩm như "Huê tình", "Hà liễu", "Ba bậc" "Thập ân", "Thập sầu", "Cò lả"… đã ngấm vào máu từ khi cụ được mẹ bế ẵm trên tay lưu lạc đó đây hát xẩm kiếm ăn. Cuộc đời truân chuyên "giọt nước cánh bèo" với những nỗi đau vì mất đi những đứa con đã làm nên một giọng xẩm bổng trầm, thanh rền như tiếng than thân trách phận. Cùng với nghệ nhân Đào Thị Sại, cụ Hà Thị Cầu được coi là kho tư liệu sống vô giá, có ý nghĩa quan trọng trong phục hưng văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghệ nhân rối nước Phan Văn Mẽ, thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) đang hoàn thiện các con rối. Ảnh: PV
Nghệ nhân rối nước Phan Văn Mẽ, thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) đang hoàn thiện các con rối.
Ảnh: PV
Ở các làng chèo nức tiếng một thuở như thôn An Lại Hạ, xã Yên Nhân (Ý Yên); thôn Quang Sán, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); thôn Phú Vân Nam, xã Hải Châu (Hải Hậu); làng Hào Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản); làng Hoành Nhị, xã Giao Hà (Giao Thủy); làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường)… cũng có rất nhiều nghệ nhân dân gian là các đào, kép tài hoa, những tay đàn, tay trống cự phách. Ở các làng rối nước cổ truyền như làng Rạch, xã Hồng Quang; thôn Giáp Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), các nghệ nhân không chỉ có khả năng biểu diễn, sáng tạo các trò diễn đặc sắc mà còn biết tạo hình con rối… Tuy nhiên, ngoài các nghệ nhân được tôn vinh hoặc có may mắn được đứng trên các sân khấu lớn, đi biểu diễn ở nước ngoài, còn lại phần lớn các nghệ nhân dù chưa được biết đến song vẫn âm thầm công việc truyền dạy, chuyển tải vốn di sản của mình cho thế hệ trẻ. Để phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, trong những năm gần đây, việc tổ chức cho các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, của các vùng miền đã được chú ý hơn. Nghệ nhân dân gian thường xuyên tham gia vào các lễ hội, ngày hội văn hóa của địa phương và trong nước. Ở tỉnh ta, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê được duy trì hàng năm, quy tụ hàng trăm tác phẩm hoa cây cảnh độc đáo của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Ở các làng nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, trong chương trình lễ hội đã đưa thêm phần thi làm các sản phẩm tinh xảo để dâng lên tổ nghề. Các nghệ nhân hát chầu văn, mỗi dịp

"Tháng ba hội Mẹ" lại tụ họp đông đủ vào cuộc thi hát chầu văn…, qua đó truyền dạy, quảng bá rộng rãi đến mọi người những hiểu biết, vốn quý của mình. Ở nhiều địa phương trong tỉnh như các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thủy, các lớp dạy đàn, hát dân tộc cũng được tổ chức đều đặn mà thầy dạy chính là các nghệ nhân dân gian.

Hiện nay, phần lớn nghệ nhân dân gian đều đã cao tuổi, kho tàng văn hóa phi vật thể mà họ nắm giữ lại chủ yếu được lưu trong trí nhớ theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề; nguy cơ mai một của nhiều di sản văn hóa quý giá đã diễn ra. Vì vậy, cùng với việc được Đảng, Nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh và tạo điều kiện tốt nhất có thể, để họ sống lâu, sống khỏe, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; công tác sưu tầm, tìm hiểu về thực trạng của vốn văn hóa dân gian cần được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2010, thực hiện nhiệm vụ "Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam", Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã soạn thảo, đề ra kế hoạch và giao cho các chi hội, tỉnh, thành hội thực hiện nhằm tổng kiểm kê thực trạng của di sản văn hóa, văn nghệ dân gian; tìm hiểu và lên danh sách các vị nghệ nhân đầu đàn về các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" cho 120 nghệ nhân ở các vùng miền trên cả nước. Nhờ đó, vốn di sản văn hóa ở nhiều địa phương được khôi phục. Ở tỉnh ta, các hội viên Chi hội văn nghệ dân gian, hội viên bộ môn nghiên cứu sưu tầm (Hội VHNT tỉnh) thời gian qua đã tổ chức các chuyến đi điền dã, tập trung sưu tầm khai thác các giá trị văn hóa đã được sáng tạo, hun đúc từ các thế hệ nghệ nhân. Nhiều hội viên còn đầu tư công sức tìm hiểu về các vùng diễn xướng văn hóa dân gian và các loại hình văn hóa phi vật thể còn lưu giữ trong trí nhớ nhân dân và các nghệ nhân, góp phần bảo tồn những di sản văn hóa quý giá của dân tộc cho hôm nay và mai sau./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com