Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với những chiến công hiển hách trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII đã đưa ông trở thành bậc đại nhân, đại dũng, đại trí văn võ song toàn được nhân dân tôn thờ, suy tôn là bậc “Thánh”, thường gọi là “Đức Thánh Trần”, “Đức Thánh Cha”. Nhiều đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng khắp các vùng miền trong cả nước. Những di tích này vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ghi nhớ công lao, tài đức của vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trên quê hương Nam Định hiện có hệ thống đậm đặc các di tích thờ Trần Hưng Đạo. Đền Thiên Trường (Đền Thượng) nơi thờ 14 vị vua Trần. Đền Cố Trạch (Đền Hạ) nơi thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng gia tộc. Đền Bảo Lộc xưa là khu thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo), nay là nơi thờ Trần Hưng Đạo. Bên cạnh hệ thống di tích được dựng lên để tưởng niệm các vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tỉnh ta còn có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật, minh chứng của một thời kỳ phát triển của đạo Phật và sức sáng tạo tài hoa của nhân dân thời nhà Trần. Những phế tích cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, các khu thái ấp và một số lượng lớn những thần phả, đạo sắc phong, hoành phi, câu đối, những câu chuyện truyền miệng được sưu tầm là những giá trị to lớn kết tạo nên những giá trị di sản văn hoá Nam Định xưa và nay.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Trần năm 2011. |
Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, bên cạnh những di tích thờ Trần Hưng Đạo, có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo xuất hiện từ thời Trần như: múa Bài bông, hát Xẩm, Chầu văn, Ca trù. Đây là một trong những loại hình dân ca, dân vũ nguyên thể độc đáo trong di sản phi vật thể của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay. Trong sách Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế Vương, gọi là hát Chầu”. Hát Chầu văn xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội Trần và lễ hội Phủ Dầy, tụng ca công đức của Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo) và Thánh Mẫu (Liễu Hạnh). Hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật Chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ Lục bát, Song thất lục bát. Trong nghệ thuật Chầu văn, ngoài việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây (nhạc cụ), Chầu văn Nam Định được biết đến với các làn điệu độc đáo như: điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Nghệ thuật múa Bài bông là một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc, xuất hiện từ thời Trần. Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ. Theo sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, điệu múa Bài bông do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3. Còn theo nhà nghiên cứu Ngô Ngọc Linh, múa Bài bông do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dựng nên. Tuy nguồn gốc và tác giả đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, nhưng qua các nguồn sử liệu có thể khẳng định, múa Bài bông là một loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của nước Đại Việt thời Trần. Múa Bài bông được coi là “nhã nhạc của Đế vương thịnh điển nhất trong nhạc giới”. Về nghệ thuật vũ đạo, các vũ sinh khi múa được trang phục khá cầu kỳ với áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp xướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị. Múa Bài bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát Xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào Xuân), rồi tiếp đến là các bài Hạ, Thu, Đông. Bên cạnh đó, múa Bài bông được coi là “báu vật” của giáo phường. Thông thường chỉ có giáo phường nào lớn mạnh hay được đi hát thờ ở trong mỗi dịp tế lễ đình, dinh quan, hay vào kinh hát chầu ngự vua mới có được một đội múa Bài bông. Về cơ bản, một đội múa Bài bông ít nhất gồm 4 người, và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người.
Trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở tỉnh ta đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch của nhân dân. Công tác kiểm kê, chống xuống cấp, tu bổ và phát huy giá trị di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân tích cực tham gia. Nhiều địa phương trong tỉnh khi tổ chức lễ hội đã quan tâm khai thác nhiều trò chơi dân gian từ các cụ cao niên nhằm tôn vinh vẻ đẹp, sức hút độc đáo cho lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một. Hiện nay, nghệ thuật múa Bài bông vẫn chưa khôi phục được. Để khai thác và bảo lưu các giá trị nghệ thuật, các ngành chức năng cần mở các lớp học mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và các di tích thờ Trần Hưng Đạo nói riêng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hoá để nâng cao ý thức của các cấp, ngành và nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Ngoài ra, cần tăng cường khai thác di tích, tổ chức phát huy tốt hơn nữa để thu hút khách tham quan, giúp cho việc tăng nguồn thu, quản lý tốt nguồn thu để tái đầu tư cho tu bổ di tích là một yêu cầu đặt ra đối với các di tích có khả năng thu lớn, tiêu biểu là quần thể di tích Đền Trần và Đền Bảo Lộc cùng các di tích của xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thuộc quần thể dự án Văn hóa Trần. Đây là trách nhiệm và cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc