Hãy hát ru con!

10:09, 22/09/2011

Va-lơ-ri Giu-lơ, một nhà giáo dục đồng thời là nhà tâm lý và là người đã viết nhiều bài báo và tác phẩm về vấn đề giáo dục, cho rằng, ngôn ngữ là món quà hết sức quý báu mà nhiều cha mẹ coi thường, không lưu tâm tới.

Trong thực tế, hầu như con trẻ ngày nay được vây phủ bởi nhiều tiếng động, tiếng ồn ào nhưng không phải ngôn ngữ: Từ tiếng động của xe cộ, âm thanh của máy truyền hình, truyền thanh, tiếng người nói chuyện... nhưng em lại không có người nói chuyện hoặc nghe em kể chuyện.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Một trong những quà tặng vô giá và miễn phí mà các bậc cha mẹ có thể tặng cho con trẻ của mình là các bài hát ru con. Tại mọi quốc gia, mọi thời đại, các bà mẹ ru con bằng những bài ru êm ái và đầy vần điệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngày nay ở nhiều nước, một số bà mẹ đã ngưng ru con bằng những bài ru con. Thay vào đó, họ đưa con mình đến các phòng khám nếu con không ngủ đúng giờ.

Theo bà Giu-lơ, điều kỳ lạ là các phòng khám này dường như không biết “trên đời này có sự hiện hữu của các bài ru con mà thay vào đó họ áp dụng các liệu pháp kiểm soát cơn khóc của trẻ”.

Những bài hát ru đóng vai trò rất quan trọng. Trong lúc ngân nga ru con ngủ, những bài hát này có tác dụng nối kết tình mẫu tử, đồng thời cũng giúp chính các bà mẹ giảm stress. Ngoài ra, những bài hát ru còn giúp trẻ thơ phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ.

Ngày nay, có nhiều đĩa nhạc thu sẵn các bài ru con. Tuy nhiên, bà Giu-lơ cho rằng, các CD này thích hợp nhiều hơn cho trẻ trong giờ chơi hoặc khi trẻ ngồi trên lòng mẹ để giải trí chứ không giúp ích nhiều trong việc ru con ngủ.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy tần số âm thanh của giọng nói người mẹ và nội dung các cuộc “nói chuyện” giữa hai mẹ con sẽ tự nhiên giúp trẻ “nghe” để “tìm hiểu” câu chuyện. Những cuộc “nói chuyện” này cũng giúp nối kết tình mẹ con và giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ.

Nhiều người sẽ tự hỏi: Tôi không biết “nói chuyện” gì với con. Một trong những cách đơn giản nhất là bạn hãy kể cho con bạn biết bạn đang làm gì và những việc xung quanh. Ngoài ra, các nhà giáo dục cũng khuyến khích người lớn đọc sách cho trẻ. Hơn nữa, hãy tận dụng mọi cơ hội khi gần trẻ như khi đưa trẻ đi dạo, đi chợ… để kể cho trẻ nghe và giúp trẻ “kể” chuyện của em bằng những tiếng bi bô, những âm thanh tưởng chừng như vô nghĩa và cùng chơi đùa với trẻ.

Một vấn đề nữa là trước đây tại nhiều nơi, trẻ em sống và được vây bọc bởi âm thanh, tiếng nói của nhiều người chung quanh, nhờ thế các em dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ hơn. Ngày nay, nhiều em có phòng riêng và chỉ đơn độc một mình trong phòng, được vây quanh bằng âm thanh hoặc hình ảnh từ vô tuyến truyền hình. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, truyền hình chỉ là phương tiện để nhìn, không phải là phương tiện để dạy ngôn ngữ vì các em có khuynh hướng “xem” chứ không “nghe” và lại càng không “nói”.

Việc cho trẻ xem DVD trên xe khi di chuyển là việc làm không giúp ích cho trẻ nếu không nói là phản giáo dục. Thay vì dán mắt vào màn hình, khi di chuyển, trẻ có thể quan sát và học hỏi, trao đổi với nhau hoặc với cha mẹ (qua những tiếng bi bô hoặc âm thanh vô nghĩa ậm ừ trong miệng) rất nhiều điều từ mọi sự chung quanh, từ phong cảnh, thời tiết, tiếng chim hót, xe cộ di chuyển, người qua lại, màu sắc, cỏ cây, nhà cửa…

“Món quà ngôn ngữ” mở ra một thế giới đầy ý nghĩa cho trẻ - kiến thức và sáng kiến. Ngôn ngữ còn giúp trẻ biết phân biệt, “nói” lên ý nghĩ của mình, giúp các em hội nhập vào xã hội và phát triển tình yêu thương./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com