Chuyện Tết Trung thu

04:09, 08/09/2011

Trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta, ngoài cái Tết Nguyên đán - Tết của mọi nhà - chúng ta còn có Tết Trung thu, một cái tết dành cho trẻ em.

Cũng thật lạ, không biết tự bao đời ông trăng sáng đã gắn liền với niềm vui của trẻ thơ!

Biết bao điệu múa, lời ca, tiếng hát, những bài đồng dao ngộ nghĩnh đã gắn liền với trẻ em, với ông trăng, với chị Hằng, chú Cuội… Cái mơ mộng của tuổi thơ ấy đã gắn liền trẻ em với bầu trời. Và trong tiếng trống ếch bập bùng, giữa hàng ngàn chiếc đèn ông sao lấp lánh là những gương mặt trẻ thơ yêu dấu của chúng ta. Tết Trung thu là tết của trẻ em, nhưng nó cũng là cái tết của cả người lớn. Người lớn chăm lo cho ngày vui của các em, người lớn hòa mình vào niềm vui của các em.

Và đây là hình ảnh của ngày Tết Trung thu, một lễ hội trăng tròn rằm tháng tám, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Múa sư tử

 

Mô tả ảnh.

Chuyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa tại một vùng rừng nọ, có một thanh niên khỏe mạnh, sống bằng nghề đốn củi. Một đêm trăng thu tròn sáng, anh bước vào cửa rừng thì bỗng nhiên gặp một con sư tử lớn, đang vờn trăng bên bờ suối. Nó nhảy xuống mặt nước định vồ bóng trăng, nhưng mặt trăng bỗng tan biến mất. Con sư tử tức giận, xông vào các bản làng gây tai họa. Để cứu dân bản, chàng thanh niên dũng mãnh đã dùng gậy xông vào đánh nhau với sư tử. Sau một hồi vật lộn, chàng đã rút dao chặt được đầu con sư tử mang về. Dân làng mừng rỡ kéo ra, đông nhất vẫn là các em nhỏ. Trong niềm vui chiến thắng, chàng trai giơ cao chiếc đầu sư tử, vừa nhảy múa vừa kể lại trận đánh. Cũng từ đó ngày rằm tháng tám, tục múa sư tử đã được trình diễn.

Đèn kéo quân

 

Nguồn gốc của trò chơi đèn kéo quân như sau:

Năm ấy, quân ta thắng lớn, đánh đuổi được quân xâm lược ra ngoài bờ cõi. Những người lính trở về đã vót tre, mua giấy, làm ra chiếc đèn lồng độc đáo. Chiếc đèn ấy bên trong có một trụ tròn, đầu dưới cắm vào một chiếc kim nhọn đặt trên đĩa dầu được thắp sáng, tạo ra luồng khí nóng làm quay chiếc lọng giấy phía trên. Từ chiếc lọng tròn đó, người ta buộc những chiếc vòng có đủ hình: ngựa, xe, quân sĩ. Khi chiếc lọng quay, thì các hình kéo quân này chạy vòng quanh không nghỉ. Nhìn bên ngoài lớp giấy bóng mỏng, các hình quân sĩ, ngựa, xe đều hối hả lên đường như một cuộc hành quân vậy.

Đèn cá chép

 

Mô tả ảnh.

Chuyện xưa kể lại: Vào đời nhà Tống, có một con cá chép vàng thành tinh, cứ đến Tết Trung thu là nó lại hiện lên thành người đi quấy rối dân làng. Nhà vua bèn hạ lệnh cho nhân dân làm những chiếc lồng đèn theo hình cá chép bằng giấy treo ở trước cửa. Từ đó, con cá chép thành tinh kia không gây hại nữa.

Ngày nay, không phải chỉ có đèn kéo quân, múa sư tử, mà trẻ em còn được vui chơi với rất nhiều loại lồng đèn rồng, ngựa, voi, đèn xếp, đèn ông sao đủ các màu sắc, làm cho Tết Trung thu càng thêm sinh động hấp dẫn./.

Bùi Hải Bình



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com