Chơi đèn kéo quân

08:09, 01/09/2011

Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù là một trong những thú vui của trẻ vào các dịp Tết, nhất là Tết Trung thu. Đèn có hình lục giác hay hình bát giác. Trong đêm hội đèn còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối và nhiều trò vui dân gian. Đèn kéo quân được cấu tạo bởi hai bộ phận chính là khung vỏ bên ngoài và các vòng quân bên trong. Khung vỏ bên ngoài được dựng thành hình lục giác hay hình bát giác, dán giấy bản kín xung quanh, giấy bản phải trắng, mỏng và dai để làm nổi rõ các hình bên trong khi đèn được thắp lên. Những chiếc nan tre được chuốt kỹ để dán hình nhân vật. Những dóng trụ đèn để giữ các vòng quân được quấn bằng các loại giấy màu, giấy trang kim vàng óng ánh, trổ những hoạ tiết để dán vào phần đầu và phần chân các trụ đèn làm cho đèn càng thêm lộng lẫy. Phần trong đèn có một trục tre tròn bằng chiếc đũa, phía trên gắn một chiếc chong chóng bằng giấy có nhiều mũi để hứng gió. Các hình tướng sỹ, binh mã, xe pháo, nhân vật lịch sử hay nhân vật trong truyện cổ tích, được gắn vào những vòng xe đặt dưới cánh chong chóng, xếp thành ba, bốn vòng cách nhau 5-7cm dựng trên một đĩa đèn dầu ta hoặc dầu lạc. Khi đèn được thắp lên, sức nóng toả ra tạo thành dòng không khí đối lưu đẩy chong chóng quay, đồng thời đẩy các vòng quân quay theo. Dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo các nhân vật lần lượt hiện ra in bóng trên từng khoang đèn theo vòng tròn, trông như cuộc hành quân liên tục không ngừng nghỉ. Trẻ con xúm xít quanh đèn, vừa xem vừa lắng nghe các cụ già thuyết minh nội dung câu chuyện thể hiện qua các bóng nhân vật lần lượt hiện ra. Điều kỳ thú khi xem đèn kéo quân ở chỗ mặc dù các nhân vật trong chuyện cổ tích hay tướng, sỹ, tượng, xe, pháo, mã… đều là hình tĩnh nhưng khi chạy vòng xung quanh lại cho cảm giác các nhân vật đang cử động như người thật, người xem như được chứng kiến một câu chuyện cổ tích hay một trận chiến, một cuộc đuổi bắt đầy lý thú. Và để tăng thêm trí tò mò của trẻ, các nghệ nhân còn làm hình các con rối có thể cử động được rồi gắn vào đèn kéo quân. Con rối có hai phần, phần tĩnh và phần động, đều được gắn vào mặt ngoài màn giấy. Đa số các con rối được gắn vào phần tĩnh bằng khớp nối. Một sợi dây nhỏ được nối khéo léo từ phần động vào trục quay chong chóng. Trên trục quay có mấu nhỏ, mỗi vòng mấu đi qua đi lại kéo sợi dây làm con rối giật lên, hạ xuống trông rất vui mắt, những con rối dây đơn giản nhưng lại rất ấn tượng đối với trẻ thơ./.

Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com