Dấu ấn lịch sử đình Trung Trang

08:08, 25/08/2011

Đình Trung Trang ở làng Trung Trại, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), nằm ẩn mình dưới lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông Hồng. Ngôi đình cổ này được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, với kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” mang đậm dấu tích của người Việt xưa. Do khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá của bom đạn trong hai cuộc kháng chiến nên đình Trung Trang bị hư hại nghiêm trọng, hai tòa tiền đường, trung đường bị phá hủy hoàn toàn. Thời vua Khải Định năm thứ 7 (1922) đình Trung Trang được tu sửa lần đầu. Trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2001, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền của kết hợp với tấm lòng của bà con xa quê nên đình làng được xây dựng lại 3 gian trung đường và tòa cung cấm theo nét xưa. Hiện nay, khuôn viên đình Trung Trang được mở rộng trên diện tích gần 5.000m2, khu vực thờ tự phục dựng theo kiến trúc cổ truyền với nguyên liệu hầu hết bằng bê tông cốt thép nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, thuần khiết, trang nghiêm của làng quê vùng đồng bằng Sông Hồng… Đình Trung Trang thờ Thành hoàng làng Triệu Việt Vương, một võ tướng thời vua Lý Nam Đế đã có công đánh đuổi giặc Lương đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sinh thời, Triệu Việt Vương đã có nhiều công lao cứu giúp cư dân vùng sông nước nên đền thờ ông được nhân dân nhiều nơi lập nên ở ngay khu vực cửa sông, mép nước nhằm tri ân công đức của ngài. Việc thờ phụng đức thánh Triệu Việt Vương ở Trung Trang cũng không nằm ngoài ý nghĩa che chở, bảo vệ cho nhân dân có cuộc sống làm ăn thuận lợi, ấm no, hạnh phúc. Cùng với vị thành hoàng làng tôn kính, đình Trung Trang còn phối thờ Phương Dung phu nhân của đức Triệu Việt Vương, người đã có công phù giúp cứu nước, cứu dân nên được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc sớm nhất vào thời vua Tự Đức năm thứ 6 (1853) và đạo sắc muộn nhất vào thời vua Khải Định năm thứ 9 (1924)…

Rước kiệu trong Lễ hội đình Trung Trang.
Rước kiệu trong Lễ hội đình Trung Trang.

Đình Trung Trang không chỉ là nơi thờ tự tri ân công đức của các vị thần có công với dân, với nước mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng góp phần không nhỏ vào thành tích trong hai cuộc kháng chiến của các thế hệ người dân Mỹ Tân nói riêng, huyện Mỹ Lộc và tỉnh Nam Định nói chung. Đây là vùng đất có lịch sử hình thành sớm, giao thông đi lại thuận lợi, nằm giáp ranh với Thành phố Nam Định và tỉnh Thái Bình nên thuận lợi để phát triển phong trào cách mạng. Ngày 22-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa của xã Mỹ Tân và khu vực lân cận theo đường Mới về huyện Mỹ Lộc, ào ạt tiến đến huyện đường tước ấn tín, sổ sách của chính quyền tay sai, thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện Mỹ Lộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào “diệt giặc dốt”, đình Trung Trang trở thành nơi tổ chức lớp học bình dân của con em trong thôn. Ngày 19-12-1950, nhân kỷ niệm 4 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chi bộ Đảng tổ chức mít tinh tại đình Trung Trang. Từ năm 1954 đến 1965, đình Trung Trang là nơi tổ chức các cuộc họp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực đình làng được dân quân du kích đào hầm để tránh bom đạn của giặc bắn phá. Tất cả những sự kiện diễn ra tại đình Trung Trang đã ghi nhận quá trình đấu tranh của nhân dân địa phương, là chứng tích lịch sử quan trọng khẳng định giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau...

Sau ngày đất nước thống nhất, đình Trung Trang vừa là nơi thờ tự, nơi diễn ra các nghi lễ phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa vừa là hội họp của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương. Ngoài giá trị về quy mô kiến trúc, đình làng còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị tiêu biểu như các sắc phong, bát hương, khám thờ, ngai và bài vị thờ Thành hoàng Triệu Việt Vương và Phương Dung phu nhân. Hằng năm tại di tích diễn ra hai kỳ lễ hội chính vào ngày 10 tháng hai và 14 tháng tám âm lịch với những hoạt động văn hóa đặc sắc đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân địa phương và các vùng lân cận, thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp với các đấng tiên liệt đã góp phần tạo dựng nên cuộc sống thanh bình hôm nay./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 

 


   

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com