Âm vang nhạc kèn với những bài ca cách mạng

07:08, 18/08/2011

Về xã Hải Minh (Hải Hậu) vào dịp chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn, chúng tôi được chứng kiến không khí say mê tập luyện, biểu diễn của các nghệ sỹ kèn đồng. Với số dân trên 50% đồng bào Công giáo, từ lâu nhạc kèn đã gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây và trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo của địa phương. Theo các cụ cao niên, đội kèn đồng đầu tiên của xã được thành lập hàng trăm năm trước, phục vụ các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo ở nhà thờ trong những dịp lễ trọng, hoạt động biểu diễn nhạc kèn đã dần mở rộng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội. Ngoài đội kèn đồng của nhà xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh còn có hàng chục đội kèn thuộc các giáo họ: Tân Bồi, Tây Hoà, Nam Hoà, Bắc Hoà, Bắc Bồi, Gò... với tổng số nhạc công hơn 500 người. Đối với nhân dân xã Hải Minh, biểu diễn kèn đồng là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Sau một ngày lao động vất vả, bà con thường tập trung tại nhà thờ, nhà văn hoá, nghe các nhạc công tập kèn như một nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần. Hằng năm, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước như Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, các đội kèn xã Hải Minh lại hăng say tập luyện biểu diễn. Đội kèn của xã và các đội kèn mạnh thuộc các xứ họ đạo: Tây Các (Hải Đông), Hai Giáp (Hải Anh), Tứ Trùng (Hải Tân), Đông Cường (Thị trấn Yên Định), Kiên Chính (Hải Chính) với những ca khúc "Mười chín tháng Tám", "Tiến về Sài Gòn", "Người là niềm tin tất thắng"... đã tạo nên không khí tưng bừng cho ngày hội. Ở xã Hải Minh có nhiều người vừa biết làm kèn, vừa thổi kèn hay. Khởi đầu từ những năm 1967-1968, ông Nguyễn Văn Oánh sửa những chiếc kèn hỏng và tìm tòi, chế tạo ra kèn đồng. Nhiều gia đình trong xã hiện nay vẫn duy trì nghề làm kèn đồng, không chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương, mà sản phẩm còn được ưa chuộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước do hình thức đẹp, chất lượng tốt, giá cả chỉ bằng một nửa so với kèn nhập ngoại.

Thi kèn đồng trong ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu. Ảnh: việt thắng
Thi kèn đồng trong ngày hội văn hóa - thể thao huyện Hải Hậu.
Ảnh: Việt Thắng

Đội kèn đồng xã Xuân Ninh (Xuân Trường) với lực lượng chủ yếu là người thôn Xuân Dục đã phát huy thế mạnh của dàn kèn đồng mang âm hưởng hùng tráng, khơi dậy trong người nghe khí thế sục sôi của những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều ca khúc như "Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" do đội biểu diễn được đánh giá cao tại các Liên hoan nhạc kèn khu vực và toàn quốc. Hiện nay đội kèn đồng Xuân Ninh có khoảng 70 người, nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng tham gia đội kèn như gia đình các ông: Nguyễn Văn Cản, Nguyễn Văn Cát, Nguyễn Văn Tín... Không chỉ chú trọng đầu tư mua sắm thêm nhạc cụ, soạn những bản nhạc mới có nội dung phù hợp để phục vụ xã hội, đội kèn Xuân Ninh còn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ kế cận tiếp nối. Các lớp nhạc lý do ông Kiểm, ông Cát, ông Viên mở vào dịp hè luôn thu hút rất đông thanh thiếu niên đến học...

Toàn tỉnh hiện có gần 180 dàn kèn đồng và hơn 400 dàn trống, trắc hỗ trợ, trong đó phải kể đến những đội kèn mạnh ở các xứ đạo thuộc các xã: Hải Đông, Hải Anh (Hải Hậu), Xuân Tiến (Xuân Trường), Hồng Quang (Nam Trực), Yên Đồng (Ý Yên), Kim Thái (Vụ Bản), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Lộc Hoà (TP Nam Định). Riêng huyện Hải Hậu có gần 100 đội kèn đồng, mỗi đội có 35-50 nhạc công. Nhạc kèn trước đây chủ yếu phục vụ các nghi lễ của đồng bào Công giáo, ngày nay đã cùng với các loại hình nghệ thuật dân tộc mở rộng phạm vi biểu diễn và đối tượng phục vụ, tích cực tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt âm nhạc xã hội. Những năm gần đây, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể hoặc những kỳ hội hè của làng xóm, ở nhiều địa phương không thể thiếu đội nhạc kèn. Phát huy thế mạnh của loại nhạc cụ giàu âm hưởng hùng tráng, các đội kèn đã dàn dựng, biểu diễn những bản nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước. Nhiều bản nhạc: "Chào bình minh thế kỷ", "Xuân chiến thắng", "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh", "Lên đàng"... được công chúng đánh giá cao, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Mặc dù hiện nay, các đội kèn duy trì hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí đóng góp của các nhạc công song các thành viên của đội kèn luôn vượt qua khó khăn, đầu tư mua sắm trang phục, nhạc cụ, tích cực tập luyện, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Để góp phần cho nhạc kèn tham gia vào đời sống âm nhạc phong phú của cộng đồng, từ năm 2000 đến nay, vào các dịp kỷ niệm như: ngày thành lập Đảng, ngày sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh 2-9, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... Nhà Văn hoá tỉnh đều tổ chức hội thi, liên hoan nhạc kèn với quy mô lớn. Đây là dịp để các dàn kèn trong tỉnh góp mặt, đua tài, làm cho âm hưởng hùng tráng của kèn đồng tiếp tục vang xa, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com