Vì một đời sống âm nhạc lành mạnh

04:08, 04/08/2011

Thời gian qua, "thảm họa âm nhạc" đang trở thành vấn đề thu hút sự chú ý không chỉ với người yêu nhạc, mà với cả những người quan tâm tới sự lành mạnh của nền nghệ thuật nước nhà. Thật ra, "thảm họa âm nhạc" đã được cảnh báo trước đây khá lâu, từ khi hiện tượng này mới xuất hiện. Như nhạc sĩ Trọng Bằng đã có lần nhận xét: "Đời sống âm nhạc của ta hôm nay thật không khác gì một nồi lẩu. Thế giới có gì chúng ta có cái đó. Rock, rap, hip-hop có tất. Trong khi đó, cái gốc, cái cốt lõi của âm nhạc thì lại đang bị bỏ quên một cách rất đáng buồn!... Ngày hôm nay, lòng tự trọng nghề nghiệp đã trở thành một thứ xa xỉ đối với một số ca sĩ trẻ...". Nhưng, dù đã bị nhận diện và lưu ý, hiện tượng đáng chê trách này vẫn tiếp tục tràn lan, đến mức trở thành một nguy cơ đáng lo ngại, ảnh hưởng thị hiếu và sinh hoạt nghệ thuật trong xã hội.

Giải Sao Mai chắp cánh cho những tài năng âm nhạc. Ảnh: Internet
Giải Sao Mai chắp cánh cho những tài năng âm nhạc.
Ảnh: Internet

Có một câu hỏi cần đặt ra và cần được trả lời là: Tại sao những năm tháng chiến tranh, trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta có một đội ngũ nhạc sĩ tài năng, xây dựng được một nền âm nhạc phát triển cân đối cả khí nhạc - thanh nhạc, âm nhạc và trở thành "món ăn tinh thần" hấp dẫn, được sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng; thì ngày nay, trong khi hoàn cảnh mới của đất nước tạo ra rất nhiều thuận lợi để âm nhạc phát triển, lại xuất hiện xu hướng sáng tác, biểu diễn theo lối bắt chước nước ngoài một cách máy móc, lố lăng, xa rời giá trị nghệ thuật của dân tộc, thiếu quan tâm tiếp nối những thành tựu âm nhạc đã có...? Phải nói là càng gần đây, đời sống âm nhạc càng xuất hiện nhiều các CD, VCD, DVD, liveshow ca nhạc mà trong đó, nếu ca sĩ không hò hét, gào thét, thì cũng ủ ê, bi lụy về phụ tình, hận tình,... với đủ loại ca từ ngô nghê, vô nghĩa và dung tục. Rồi nữa, một số ca sĩ còn tận dụng ưu thế hình thể ăn mặc hở hang, nhảy nhót điên cuồng, cố bằng mọi cách tạo nên sự giật gân, thu hút và đáp ứng nhu cầu tầm thường của một bộ phận công chúng âm nhạc. Không có ý nghĩa nào khác, "thảm họa âm nhạc" đã và đang dẫn tới một số tác động khá tiêu cực; từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển của đời sống tinh thần, ảnh hưởng tới ý chí, nghị lực và tinh thần phấn đấu của con người, nhất là giới trẻ.

Xem xét từ bất kỳ góc độ nào, nhạc sĩ và ca sĩ cũng là công dân và đặc thù nghề nghiệp của họ đặt ra các yêu cầu rất cao về trách nhiệm xã hội. Thiếu trách nhiệm xã hội, chạy theo nhu cầu vật chất mà bất chấp các giá trị nhân văn, mưu cầu nổi tiếng bằng những cung cách "phi văn hóa" là nhạc sĩ, ca sĩ thiếu tự trọng nghề nghiệp, dung túng cho sự thiếu lành mạnh. Vì thế, xã hội đòi hỏi nhạc sĩ, ca sĩ phải nâng cao ý thức trách nhiệm trước công chúng. Đồng thời, xã hội cũng yêu cầu các cơ quan quản lý văn hóa, các cơ quan chức năng về luật pháp cần nghiêm khắc trong quản lý và áp dụng mọi chế tài nhằm chấm dứt cái gọi là "thảm họa âm nhạc" trong đời sống tinh thần xã hội. Tuy nhiên, phương cách quan trọng nhất vẫn là phải tập trung xây dựng một nền âm nhạc có cơ sở vững chắc như: giáo dục âm nhạc trong nhà trường, đầu tư giúp nhạc sĩ có điều kiện sáng tác, biểu diễn các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc hiện đại, mang bản sắc dân tộc, khuyến khích hệ thống truyền thông dành thời gian quảng bá các tác phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com