Tổ chức tốt các lễ hội mùa thu

09:08, 25/08/2011

 

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) năm 2010. Ảnh: Việt Thắng
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) năm 2010.
Ảnh: Việt Thắng

Tỉnh ta có gần 50 lễ hội được tổ chức vào mùa thu. Nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Trần tưởng nhớ công lao các vị vua Trần và kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường). Lễ hội Trần được tổ chức vào tháng 8 (âm lịch) hằng năm tại Khu di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thu hút hàng vạn lượt khách thập phương và nhân dân về dự. Trong những ngày lễ hội, bên cạnh phần "lễ" là phần "hội" với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian. “Điểm nhấn” của lễ hội mùa thu năm nay là lễ hội Trần tưởng nhớ công lao các vị vua Trần và kỷ niệm 711 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (20-8-1300 - 20-8-2011 âm lịch). Đồng chí Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội Trần năm 2011 cho biết: Bên cạnh nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức (BTC) chú trọng việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa dân gian; dự kiến sẽ tổ chức biểu diễn rối nước, cờ người, võ vật dân tộc và các tiết mục văn nghệ dân gian của các CLB văn nghệ phường Lộc Vượng. Ban Chỉ đạo lễ hội đã giao việc chuẩn bị nội dung cho BQL di tích Đền Trần và UBND phường Lộc Vượng, đồng thời đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ hội Trần năm 2011 sẽ được tổ chức từ 10 đến 20-8 âm lịch tại Đền Trần, phường Lộc Vượng, do UBND Thành phố Nam Định chủ trì. BTC lễ hội đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ hội trang trọng, ấn tượng, an toàn; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa trong suốt thời gian diễn ra lễ hội… Để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội Trần, Thành phố Nam Định đang nghiên cứu, khôi phục điệu múa bài bông truyền thống, để đưa vào lễ hội. Lễ hội Chùa Cổ Lễ được tổ chức từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hằng năm. Chùa Cổ Lễ thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không - một vị sư nổi tiếng về tài chữa bệnh. Hàng năm, nhân dân mở hội tưởng niệm ngày ông hóa thân (14-9 âm lịch). Lễ hội Chùa Cổ Lễ là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh còn bảo lưu được nhiều lễ nghi cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người..., phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nền văn minh lúa nước. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức từ 12 đến 15-9 âm lịch, tưởng nhớ Không Lộ Thiền sư. Trong lễ hội, các nghi thức, các trò chơi dân gian được duy trì như rước kiệu truyền thống, leo cầu ngô, thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, biểu diễn thái cực trường sinh đạo, đêm thơ hội làng... Đặc sắc nhất trong lễ hội là giải bơi chải đứng với sự tham gia của các xóm trong làng. Về cơ bản, lễ hội mùa thu trên địa bàn tỉnh được tổ chức tốt đã phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội, tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư, bồi đắp giá trị truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức cúng tế hướng con người tới những điều thánh thiện, cầu bình an, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như bơi chải đứng, đánh cờ, võ vật, thổi cơm thi... Tuy nhiên, các lễ hội vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: ngành Văn hóa thông tin ở một số địa phương chưa giữ được vai trò chỉ đạo, tổ chức lễ hội. Các hoạt động mê tín dị đoan như lên đồng, xóc thẻ, vay tiền âm phủ… vẫn diễn ra ở nhiều lễ hội. Việc tổ chức, sắp xếp các dịch vụ lễ hội còn lộn xộn. Không ít cửa hàng ăn uống phục vụ khách dự lễ hội chưa bảo đảm VSATTP. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở những nơi mở hội cũng là vấn đề đáng lo ngại trong tình hình hiện nay. Một số lễ hội mới chỉ chú ý đến phần lễ, coi nhẹ phần hội. Tình trạng người ăn xin, bán hàng rong đeo bám du khách vẫn còn ở nhiều lễ hội, đặc biệt là việc lợi dụng lễ hội để tăng giá tùy tiện các dịch vụ trông giữ phương tiện, bán hàng ăn uống, bán đồ lễ, giấy sớ, vàng mã... ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa truyền thống. Ở nhiều lễ hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian bị mai một dần do không được tổ chức hoặc tổ chức “lấy lệ”, không hấp dẫn được du khách…

Để lễ hội thực sự phát huy được vai trò là sản phẩm văn hóa phi vật thể, tái tạo được những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban tổ chức lễ hội các địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Đối với công tác tổ chức lễ hội, cần quan tâm rà soát kịch bản chương trình lễ hội, trong đó chú trọng những giá trị văn hóa truyền thống mang tính độc đáo của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Phần lễ cần được tổ chức trang trọng và loại trừ các yếu tố mê tín dị đoan. Việc tổ chức lễ hội phải tuân thủ theo quy định của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh về quy chế mở lễ hội truyền thống./.

Thu Trang

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com