Tăng cường quản lý hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng

09:08, 25/08/2011

Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6-11-2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Sau gần 2 năm thực hiện, vấn đề quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ở tỉnh ta còn hạn chế trên nhiều lĩnh vực như: Hoạt động quảng cáo; hoạt động vũ trường, ka-ra-ô-kê; trò chơi điện tử; kinh doanh băng đĩa; tổ chức lễ hội.

Đồng chí Trần Văn Quang, Chánh Thanh tra Sở VH, TT và DL cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 320 lượt, qua đó phát hiện, xử lý trên 50 cơ sở vi phạm, nhắc nhở và phạt cảnh cáo hơn 250 cơ sở. Các vi phạm chủ yếu là: dịch vụ ka-ra-ô-kê, quảng cáo không có giấy phép, băng đĩa không có tem nhãn, dịch vụ lễ hội vi phạm các quy định của Nhà nước. Qua kiểm tra, xử lý, 75 cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê vi phạm cho thấy, không ít cơ sở hoạt động quá thời gian quy định, phục vụ rượu bia ngay trong phòng hát, gây ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội. Công tác quản lý hoạt động lưu hành, kinh doanh băng, đĩa nhạc cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khó kiểm soát tình trạng bán băng đĩa trôi nổi, ngoài luồng. Trên thị trường hiện nay, tỷ lệ băng đĩa in sao trái phép rất lớn; băng đĩa được bán tràn lan, nhưng công tác kiểm tra, xử lý không đơn giản, việc thẩm định nội dung vi phạm khó khăn, mất nhiều thời gian. Công tác thanh tra, kiểm tra thường tổ chức theo từng đợt, khi nắm được thông tin các đại lý nhanh chóng cất giấu băng đĩa in sao lậu, trưng bày băng đĩa có tem nhãn. Quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng không được trực tiếp xử phạt ngay tại thời điểm kiểm tra mà chỉ lập biên bản, thu giữ băng đĩa, sau đó chờ thẩm định nội dung vi phạm mới tiến hành các biện pháp xử phạt cụ thể. Nhiều trường hợp, chủ cửa hàng đã bỏ hàng hoá, không đến để giải quyết những vi phạm. Cùng với sự “bùng nổ” thị trường băng đĩa lậu, là sự phát triển ồ ạt các đại lý Internet công cộng và trò chơi điện tử. Bên cạnh những tiện ích, thì những điểm dịch vụ Internet và trò chơi điện tử vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập. Phần lớn “khách hàng” tại đây đều trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, truy cập mạng để chát hoặc chơi game, trong đó có nhiều trò chơi bạo lực hoặc bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc, cá độ, ăn thua, gây mất trật tự an ninh công cộng ở các điểm kinh doanh. Nếu không có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ, vô hình trung, các điểm Internet công cộng trở thành nguồn cung cấp những trang web đen, những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Trong lĩnh vực quảng cáo, việc rao vặt bừa bãi bằng hình thức dán hoặc sơn lên tường tại những nơi công cộng và khu dân cư gây bức xúc trong xã hội.

Hầu hết các quảng cáo vặt đều do chủ quảng cáo thuê người đi dán tờ rơi, phun sơn bằng hộp xịt lên cột điện, gốc cây, tường bao, in các địa chỉ, số điện thoại làm mất mỹ quan đô thị. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc quản lý các hành vi vi phạm pháp luật quảng cáo là do hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu đồng bộ. Đối tượng vi phạm trong hoạt động quảng cáo vặt hầu hết là các cá nhân không đăng ký và chưa được cấp phép của ngành chức năng, tự ý “xâm chiếm” không gian để dán tờ rơi, kẻ vẽ, phun sơn ở những nơi công cộng. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo rao vặt bừa bãi còn thấp, chưa có tác dụng răn đe. Trong công tác tổ chức lễ hội, tình trạng tu sửa di tích còn tuỳ tiện, nhất là công trình phụ trợ, trong nội tự đặt quá nhiều hòm công đức, trong khuôn viên thì bày bán hàng hoá, dịch vụ lộn xộn làm mất cảnh quan, không gian di tích và lễ hội. Nạn hành khất và hoạt động cờ bạc, trộm cắp, bói toán vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quản lý Nhà nước về di tích; chưa phân rõ chức năng và quyền hạn cụ thể giữa “cấp” và “ngành”, từ đó chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong quản lý và khai thác, phát huy giá trị quần thể di tích. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ... Để Nghị định 103 “đi vào cuộc sống”, trong thời gian tới, công tác quản lý Nhà nước trên các hoạt động văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý dịch vụ văn hóa cần được tăng cường đi đôi với việc vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước; phát động quần chúng đấu tranh, tố giác với các cơ quan chức năng về những biểu hiện và hành vi vi phạm để kịp thời xử lý theo pháp luật. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Quyết định 681 của UBND tỉnh về việc tổ chức lễ hội. Huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn di tích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com