Nơi lưu giữ những kỷ vật “Một thời để nhớ”

09:08, 11/08/2011

Bảo tàng Nam Định hiện đang lưu giữ gần 500 hiện vật của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong đó có một hiện vật tiêu biểu là hộp đựng ngòi nổ đạn pháo 88 ly góp phần vào trận đánh bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên tại Thành phố Nam Định. 

Máy bay MIC 17 tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Thành phố Nam Định trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1968-1972, đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Máy bay MIC 17 tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Thành phố Nam Định trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1968-1972, đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Theo cán bộ của Kho bảo quản (Bảo tàng Nam Định), Pháo cao xạ 88 ly được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đầu năm 1960. Ở Nam Định, Trung đoàn 250 bố trí trận địa pháo 88 ly bảo vệ thành phố gồm: C1 Nam Vân, C2 Nam Phong, C3 Cổng Hậu, ngoài ra còn một số trận địa 37 ly xen kẽ. Khoảng 9h ngày 13-8-1965, bầu trời Thành phố Nam Định không mưa, nhiều mây, giặc Mỹ lợi dụng thời tiết xấu nhằm vô hiệu hoá hệ thống phòng không của ta, bất ngờ cho nhiều tốp máy bay vào đánh phá thành phố. Với “Quyết tâm đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ”, bộ đội ta hợp đồng tác chiến với dân quân tự vệ làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng đón đánh địch. Khi hệ thống ra-đa của ta phát hiện máy bay Mỹ còn cách 60km, tất cả đều vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Sau tiếng còi báo động là tiếng thông báo trên loa: “Máy bay địch cách thành phố 30km, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu”. Ngay từ loạt đạn đầu, bộ đội Đại đội 2 pháo 88 ly đã tiêu diệt được chiếc F4H. Lúc đó khoảng 9 giờ 5 phút. Trên bản đồ đường bay đánh dấu điểm bắn thuộc bầu trời xã Nam Cường - Nam Trực. Sau 2 phút, Đại đội 8 pháo 37 ly đóng cạnh kho xăng đã bình tĩnh và cảnh giác bắn cháy chiếc A4D đang lợi dụng sông Đào bay thấp vào đánh lén kho xăng. Cả hai chiếc F4H và A4D đều bốc cháy, tháo chạy ra biển rồi rơi xuống. Tối 13-8-1965, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố Nam Định bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Đại đội 2 pháo 88 ly và Đại đội 8 pháo 37 ly cùng quân, dân Nam Định lập công đầu bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời thành phố, mở màn cho các trận đánh chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968.

Hộp đựng ngòi nổ đạn pháo 88 ly góp phần bắn cháy máy bay Mỹ ngày 13-8-1965 của Đại đội 2 - Trung đoàn 250 ngay trong loạt đạn đầu được Bảo tàng Nam Định lưu giữ để các thế hệ sau biết đến những chiến công của cha ông trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Tại Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, số nhà 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) - bảo tàng tư nhân duy nhất tại tỉnh ta, hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật kháng chiến với loại hình, chất liệu phong phú. Những kỷ vật rất đỗi bình thường nhưng trong mỗi kỷ vật lại là một câu chuyện xúc động về người chiến sỹ, về sự hy sinh gian khổ của họ. Đó là chiếc máy chữ của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, được tặng cho một cựu chiến binh 60 năm tuổi Đảng. Qua chiếc máy chữ này, đã có biết bao văn bản được thảo ra, được Bác Hồ ký. Rồi những quân trang, quân dụng, nhật ký của các CCB, các liệt sỹ, từ chiếc khăn mặt, túi cơm, bao gạo, chăn màn, tăng võng, xanh-tuya-rông, bát sắt, ca, bút máy, đồng hồ, ống nhòm, la bàn, đèn pin đến những vũ khí như dao găm, súng... Tất cả đều gắn với hành trang của người lính. Rồi những dòng nhật ký thể hiện những suy ngẫm của họ trước cuộc sống, tinh thần lạc quan yêu đời, những lời động viên nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để giữ gìn phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, tình quân dân, tình cảm hậu phương tiền tuyến, tình yêu lứa đôi… Những hiện vật được tìm thấy ở Thành cổ Quảng Trị năm 1987 là những chiếc dù, màn, chăn, ba lô còn dính máu đồng đội, chứng tích minh chứng cho cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Một chiếc gùi bằng vải trang bị cho bộ đội trong thời kỳ đi mở đường Trường Sơn huyền thoại của liệt sỹ Đinh Thành Chiếu. Sau khi anh hy sinh, đơn vị anh đã gửi chiếc gùi này về cho gia đình để làm kỷ niệm. Chiếc lọ đựng đỗ xanh của mẹ VNAH Tạ Thị Uôn, xã Trung Thành (Vụ Bản), trong lọ có bao nhiêu hạt đỗ xanh là tương ứng với bấy nhiêu ngày mẹ xa người con trai út để anh đi làm nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Khi anh hy sinh, chiếc lọ đựng hạt đỗ xanh đã gần đầy… Mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh đều là những câu chuyện gắn bó với sự “vào sinh ra tử” của người lính. Người thành lập Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, ông Vũ Đình Lưu, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát Sư đoàn 312... Ông Lưu cho biết: Từng là người lính trực tiếp cầm súng đối mặt với kẻ thù ngay tại chiến trường Quảng Trị, từng chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, nên tôi có suy nghĩ phải có một nơi để giữ gìn những kỷ vật đó. Bảo tàng này không chỉ là ước nguyện của đời tôi mà là sự tri ân những đồng đội đã khuất, đồng thời là món quà vô giá với thế hệ trẻ…

Cùng với Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, tỉnh ta có 4 bảo tàng cấp huyện còn lại gồm Bảo tàng huyện Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và nhiều nhà truyền thống, nhà lưu niệm do các sở, ban, ngành quản lý trưng bày một khối lượng lớn hiện vật, tài liệu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là Nhà truyền thống LLVT tỉnh và Nhà truyền thống Công an tỉnh. Những tài liệu hiện vật gốc tại đây là những minh chứng cụ thể về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Nam Định trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhà truyền thống Nhà máy Dệt hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật về lịch sử hình thành và phát triển của Nhà máy Dệt và truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân Tổng Cty Dệt may Nam Định nói riêng. Ngoài ra, hệ thống nhà truyền thống cấp xã cũng trưng bày một khối lượng hiện vật, tài liệu lớn về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là nhà truyền thống của các xã: Hải Trung, Hải Anh, Hải Phú, Hải Minh (Hải Hậu), Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Đồng Sơn (Nam Trực), Trực Đại (Trực Ninh), Liên Minh (Vụ Bản). Trong đó, Nhà truyền thống xã Liên Minh (Vụ Bản) và Nhà truyền thống xã Đồng Sơn (Nam Trực) hiện đang trưng bày các tài liệu, hiện vật trong phong trào “rào làng kháng chiến” để ngăn cản bước tiến của giặc Pháp tiến vào tàn phá quê hương.

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, những kỷ vật của “Một thời để nhớ” luôn được cán bộ, nhân dân trong tỉnh trân trọng, gìn giữ qua hệ thống các bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Các hiện vật này đã góp phần “giải mã” một thời hào hùng của dân tộc, của quê hương. Đây là nguồn sử liệu quý, cần được phát huy giá trị để tuyên truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay của quê hương Nam Định./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com