Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác VHNT, các hoạt động sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tăng cường. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn nghệ thuật, hoạt động của Hội VHNT, tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hoá - văn nghệ của các tầng lớp nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực VHNT, ngăn chặn các biểu hiện tư tưởng và hành vi sai lệch, tiêu cực cũng được tăng cường.
Sở VH, TT và DL bồi dưỡng nghệ thuật hát văn, hát chèo cho cán bộ văn hóa huyện Giao Thủy. |
Với hướng đi đúng, sau khi triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23, phong trào VHNT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, chất lượng các tác phẩm từng bước được nâng cao; nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn di sản văn hoá quê hương đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh được xây dựng ngày càng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Hội VHNT tỉnh có 270 hội viên, sinh hoạt ở 7 bộ môn. Trong thời gian qua, các hội viên đã sáng tác và xuất bản: 34 tập thơ, 25 tập truyện ký và tiểu thuyết, 27 tập nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, 8 tập ca khúc, 5 kịch bản sân khấu, dàn dựng 15 vở diễn, hàng trăm tác phẩm mỹ thuật… Nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế và khu vực. Tiêu biểu là bộ môn nhiếp ảnh, đoạt 25 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Bằng danh dự FIAP; Giải xuất sắc ACCU (giải quốc tế); 36 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng giải thưởng quốc gia và khu vực. Trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp, vở diễn “Đường về” (tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn Đào Quang) của Đoàn Kịch nói Nam Định tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2009 đoạt 3 giải cá nhân gồm 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010, Nhà hát Chèo Nam Định đoạt 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc dành cho cá nhân. Đặc biệt, vở “Chiến trường không tiếng súng” là một trong hai vở diễn được trao Huy chương Vàng. Thời gian qua, Nhà hát Chèo Nam Định đã khôi phục 15 trích đoạn chèo cổ, dàn dựng 13 giá đồng; tổ chức biểu diễn mỗi năm từ 200 đến 250 buổi diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhà hát đã nghiên cứu, bảo tồn nhiều làn điệu chèo cổ và dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, cử các diễn viên có kinh nghiệm tham gia tập huấn, giảng dạy, giúp các đơn vị địa phương trong tỉnh tuyển chọn đào tạo lớp diễn viên, nhạc công kế cận. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hoá - nghệ thuật không ngừng được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh có 215/229 xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá; 1.435/3.682 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá; 1.021/3.682 thôn, xóm, khu phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”. Thông qua phong trào văn nghệ quần chúng, nhiều CLB VHNT ra đời, góp phần nuôi dưỡng các tài năng trẻ. Trong xu hướng “tìm về cội nguồn” theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong tỉnh được khôi phục, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1.568 CLB sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Nhiều đội chèo trong tỉnh hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ hội, những ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, nhiều tác phẩm VHNT đã đề cập đến các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề của cuộc sống đương đại. Hoạt động VHNT đã có nhiều cố gắng trong tìm tòi sáng tạo, tham gia đấu tranh với cái ác, cái xấu, bảo vệ cái thiện, cái tốt; phát huy nhân cách, lối sống lành mạnh trong xã hội. Công tác sưu tầm, quảng bá, giới thiệu tác phẩm, tác giả VHNT được quan tâm. Đội ngũ văn nghệ sĩ từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có tâm huyết với nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHNT tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế. Số lượng tác phẩm nhiều nhưng ít tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT chưa thật sôi nổi, mảng lý luận còn bỏ ngỏ; hoạt động tự phê bình và phê bình văn học chưa được thường xuyên, chuyên nghiệp nhằm góp phần tích cực trong định hướng tư tưởng cho công chúng; chủ yếu chỉ dừng lại ở dạng điểm sách, nặng tính chủ quan, thiếu tiêu chí khoa học trong nhận định đánh giá tác giả, tác phẩm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được chú trọng, quan tâm thường xuyên. Những biến đổi sâu sắc của quá trình CNH-HĐH cũng như quá trình giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế đang là hiện thực giàu tiềm năng, đề tài phong phú cho những tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sĩ. Mặt khác, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, công nghệ giải trí có tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống của công chúng và giới văn nghệ sĩ. Các thế lực thù địch lợi dụng VHNT để thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm vào lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Những thời cơ và thách thức đó đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ phải quán triệt và nâng cao nhận thức các quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, từ đó xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển VHNT trong tình hình mới một cách phù hợp. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ tốt; đầu tư, chỉ đạo phát triển những bộ môn nghệ thuật truyền thống có thế mạnh của tỉnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi, âm mưu “xâm lăng” văn hoá của các thế lực thù địch. Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện của VHNT. Khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó với nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương Nam Định./.