Khu nhà bếp cổ - một trong những hạng mục của dự án |
Thiếu tướng Hoàng Kiền quê xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ). Sau 6 năm đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở nước bạn Lào, năm 1976, ông về nước, học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1981, ông ra trường, công tác tại Phòng Công binh (Quân chủng Hải quân). Từ năm 1986-1989, ông giảng dạy tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Từ năm 1989-1997, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Trong thời gian 10 năm (1997-2007), ông là Tham mưu phó, Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 2006, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Từ năm 2007 đến nay, ông giữ chức vụ Giám đốc Ban Dự án đường tuần tra biên giới (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng). Những năm tháng đi bộ đội ở nước Lào anh em cũng như sau này, khi công tác xa quê, nỗi nhớ quê hương với hình ảnh những ngôi nhà mái bổi đặc trưng của người dân vùng biển luôn thường trực trong ông. Bà Ngô Thị Khiếu - vợ ông là một giáo viên, từ lâu đã có sở thích sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Trong thời gian dài, bà Khiếu đã sưu tầm được mấy trăm hiện vật về đời sống văn hoá của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là các cổ vật về sản xuất, đời sống sinh hoạt, dụng cụ gia đình. Bà mong muốn một dịp nào đó sẽ mang các cổ vật ra trưng bày rộng rãi để mọi người được chiêm ngưỡng. Với suy nghĩ, nông thôn Việt Nam còn lưu truyền biết bao giá trị văn hoá cần được gìn giữ và quảng bá, nhất là ngày nay, khi thế hệ trẻ phát triển trong một xã hội hiện đại, rất cần có sự nhìn nhận lại cha ông ta - người nông dân Việt Nam vốn tự bao đời thuần phác, cần cù, đôn hậu… Trong một lần về thăm quê, gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền đã bày tỏ ước nguyện được đóng góp xây dựng một nhà triển lãm để trưng bày hiện vật và một nhà thư viện để người dân đến đọc sách miễn phí. Được UBND xã Giao Thịnh ủng hộ, tạo điều kiện về quỹ đất, vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền đã đầu tư xây dựng dự án “Khu văn hoá truyền thống” như một sự tri ân với quê hương, nguồn cội.
“Khu văn hoá truyền thống” có diện tích hơn 5.000m2 trưng bày, giới thiệu các vật dụng sinh hoạt trong sản xuất và đời sống của người dân nông thôn Bắc Bộ có niên đại gần 100 năm trở lại đây, gồm: Khu trưng bày dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày bừa, cuốc xẻng, mai, thuổng, cào cỏ bằng tay, cào cỏ cải tiến, cào làm đất, gầu tát nước các loại; Khu trưng bày các dụng cụ chế biến thóc gạo như: cối xay thóc, cối giã gạo, nong nia, dần sàng, thẩy, mủng, thúng, nong, cót, bồ đựng thóc…; Khu trưng bày đồ vật, đồ dùng hàng ngày như: mâm gỗ, mâm đồng, ấm đồng, bộ đèn dầu, đèn bão, võng, chõng, giường, tủ, chum nước, các loại vò, vại; Khu trưng bày dụng cụ khai thác thuỷ sản như: vó, cần câu, giậm, lờ, giỏ, nơm, te…, đơn vị đo lường như bơ các loại, đấu, cân gỗ, cân sắt… Khu thư viện và phòng đọc sách với trên 1.000 đầu sách, ngoài các sách về phong tục tập quán của quê hương Nam Định, sách y học, danh nhân, văn hoá ẩm thực, khoa học kỹ thuật, lịch sử, nghệ thuật, quân đội… và nhiều loại tạp chí giới thiệu các danh lam thắng cảnh, cổ vật, con người và đất nước Việt Nam. Khu nhà gỗ cổ tái hiện không gian đời sống của người nông dân Bắc Bộ xưa với phòng thờ, phòng khách, phòng ngủ, kho, hiên, sân phơi, bể nước và hệ thống cây xanh, sân vườn. Khu nhà bếp cổ có trưng bày bếp cổ xưa (bếp đất, bếp đun rơm, bếp đun củi, nồi niêu, thau đồng, nồi đồng), chén, bát, lọ đựng gia vị, giá treo đồ khô, rổ rá, cối xay bột cùng hệ thống bàn ăn, ghế thấp. Tất cả các hạng mục trưng bày nằm trong tổng thể hài hoà của hệ thống sân vườn, ao hồ, tạo nên hình ảnh về một miền quê Bắc Bộ điển hình. Không chỉ phục vụ mục đích tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống nông thôn thuở xưa, “Khu văn hoá truyền thống” còn là địa điểm vui chơi giải trí cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Dự án xây dựng “Khu văn hoá truyền thống” của Thiếu tướng Hoàng Kiền với kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ tháng 3-2010. Đến nay, 4/10 hạng mục kiến trúc đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến năm 2012, công trình chính thức đưa vào sử dụng. Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, nông thôn Việt Nam - nơi lưu truyền các giá trị văn hoá mang tính bản sắc dân tộc đang có nhiều thay đổi. Với mong muốn dựng lại vốn văn hoá cổ, giữ gìn những thuần phong mỹ tục, thể hiện tấm lòng trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, “Khu văn hoá truyền thống” sẽ là địa chỉ giáo dục, hướng về nguồn cội nhất là cho thế hệ trẻ. Tới đây, khi dự án xây dựng “Khu văn hoá truyền thống” hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ mở cửa hàng ngày để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống văn hoá nông dân nông thôn Bắc Bộ của mọi người. Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng ấp ủ dự định sẽ phối hợp với Ban văn hoá xã, Hội Cựu chiến binh xã và các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động: kể chuyện truyền thống, tìm hiểu về lịch sử quê hương… tại Khu văn hoá truyền thống để giáo dục cho thế hệ trẻ niềm yêu mến, tự hào về dân tộc./.
Bài và ảnh: Lam Hồng