Năm nào cũng thế, tháng 7 gợi lên trong lòng mỗi người Việt Nam tình cảm yêu thương và lòng biết ơn vô hạn với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước.
Việt Nam là một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm đánh giặc, giữ nước. Và cuộc chiến đấu giành lại Độc lập Tự do nhiều khi phải do các thế hệ nối nhau, đời cha nối tiếp đời ông mới giành lại được. Cũng không phải chỉ những người đàn ông mới xông pha trận mạc mà "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", và nhiều thiếu niên cũng đã trở thành những người anh hùng.
Lòng yêu nước là một bảo bối của dân tộc Việt Nam!
Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết:
"Bản lĩnh này không phải dân tộc Việt Nam sinh ra đã có, mà nó được hình thành trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc. Tư tưởng chủ yếu của dân tộc Việt Nam là tư tưởng yêu nước, xuyên suốt lịch sử cổ kim. Sự hình thành và phát triển của tư tưởng yêu nước đi đôi với sự hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc".
Trước những kẻ thù xâm lược, trước vận mệnh mất còn của Tổ quốc, trước những kẻ thù luôn luôn lớn mạnh hơn mình, dân tộc Việt Nam giống như chàng trai Thánh Gióng đã phải vươn mình, nộ khí xung thiên, xông lên giết giặc.
Lý Thường Kiệt đánh Tống, để lại bài thơ lịch sử: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư". Nước Nam người Nam ở là một chân lý vĩnh cửu như đã ghi ở sách trời. Nhà Trần với kế hoạch toàn dân đánh giặc đã ba lần đại thắng Nguyên Mông, một kẻ xâm lược đã từng băng qua Âu, Á, chưa từng thua ai, một kẻ thù thiện chiến và đông đúc mà vó ngựa tới đâu thì cỏ cũng không mọc lên được. Hai lần bại trận, bọn giặc vẫn quyết đánh nước ta lần thứ ba. Lần này, chúng chuẩn bị kỹ hơn, Thoát Hoan từ Lạng Sơn vượt sông Hồng vào Thăng Long. Vua Trần rút về phía nam. Ô Mã Nhi đuổi theo cho quân vào tàn phá đền đài và lăng mộ nhà Trần ở Tam Đường, Thái Bình. Nhưng chỉ 9 ngày sau chiến thắng Bạch Đằng, quân ta đã bắt được Ô Mã Nhi đem về Long Hưng làm lễ hiến tiệp. Khi nhìn thấy những chân ngựa đá lấm bùn bên lăng mộ các vua cha, Vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc lên hai câu thơ nổi tiếng: "Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng".
Sau "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo, lại là "Đại Cáo Bình Ngô" của Nguyễn Trãi , rồi Nguyễn Huệ với "Áo vải cờ đào" ào ạt chiến thắng 25 vạn quân Thanh. Nhưng phải tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lịch sử Việt Nam mới chuyển sang một bước ngoặt mới. Từ mạch ngầm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chảy suốt hàng nghìn năm lịch sử đã bùng nổ thành cao trào cách mạng, hồi sinh cả một dân tộc, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên Độc lập, Tự do.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Ảnh: Internet
|
Một nhà văn lớn đã nói: "Lịch sử không đơn thuần là những chiếc cầu thang thuận tiện hướng thẳng tới tương lai. Và con đường của nhân loại ít khi chạy trên con đường bằng phẳng, mà thường là vắt qua những núi non hiểm trở".
Những biến cố luôn luôn thử thách những con người tiến lên phía trước!
Dân tộc Việt Nam lại phải dũng cảm bước vào một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ. Rồi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trên thế giới lại xuất hiện một cụm từ mới: "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ".
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt kéo dài qua 6 đời tổng thống Mỹ, với lúc cao nhất lên tới 60 vạn quân Mỹ gồm cả hải lục không quân. Mỹ đã ném xuống Việt Nam 47 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom Mỹ đã ném trong thế chiến thứ hai.
Đánh ở miền Nam không được, Mỹ cho không quân đánh ra miền Bắc, ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu khác với một khối lượng bom đạn tương đương với 35 nghìn tấn thuốc nổ. Nhưng cuối cùng, trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", 81 máy bay hiện đại trong đó có 34 chiếc B52 đã bị bắn rơi, 43 giặc lái Mỹ bị bắt sống, vào ở "khách sạn Hilton - Hoả Lò Hà Nội".
*
Trong cuốn sách "Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam", tướng Mc Namara đã phải thú nhận thất bại và nêu ra 11 bài học. Trong đó, ông ta nói: Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, đã thúc đẩy họ đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó. Những sai lầm của chúng ta, phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân trong vùng và về nhân cách, thói quen của các nhà lãnh đạo. Và ông ta cũng phải đau xót khi nhận ra: "Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không phải nằm ở mũi nhọn quân sự, mà ở sự đoàn kết của dân tộc".
Thì ra, cuối cùng Mỹ cũng nhận ra Đại đoàn kết là sức mạnh Việt Nam!
Một nhà sử học đã viết: "Phải đến cụ Hồ mới có câu "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công", nhưng ý tứ của nó thì đã có sẵn từ thời vua Hùng dựng nước. Câu chuyện Lạc Long Quân, giống Rồng và Âu Cơ, giống Tiên đã sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, đã là lời tâm huyết của tổ tiên dặn dò muôn đời con cháu, phải yêu thương đùm bọc nhau như ruột thịt".
Những ngày tháng 7 này, đi dọc đất nước từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, ở đâu chúng ta cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ, những tượng đài Tổ quốc ghi công. Những Phủ Lý, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, đường 9, Bình Phước, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Những tên đường: Ngã ba Đồng Lộc, những cây cầu: Hàm Rồng, những tên sông: Thạch Hãn, những tên núi: Khe Sanh... những tên biển Hoàng Sa, Trường Sa. Những tên đất, tên người, mỗi lần nhắc đến như nhắc đến những trang sử oai hùng.
Hàng triệu những người con yêu quý của Tổ quốc, biết bao thế hệ trẻ trung đã nối nhau sẵn sàng hy sinh cái quý nhất của mình là đời sống cho nền Độc lập Tự do của Tổ quốc.
Chỉ tính trên con đường Trường Sơn, con đường nối liền Nam Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt đã có tới 22 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong anh dũng hy sinh. Nhiều người vẫn còn nằm lại trong những cánh rừng và hằng năm vào tháng 7 này, những người lính hải quân cũng vẫn thả xuống mặt biển mênh mông những vòng hoa để tưởng nhớ đồng đội của mình.
Trên những hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu quý của Tổ quốc, biết bao chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh vì chủ quyền dân tộc. Tên của những người anh hùng đã mãi mãi trở thành tên gọi những hòn đảo của Tổ quốc.
Nhà văn Abdumomunov (Liên Xô) đã viết:
"Việt Nam, đất nước của thi hào vĩ đại Nguyễn Du, đất nước của thi ca và âm nhạc kỳ diệu, đất nước của những người lao động quên mình và rất mực yêu tự do. Những con người yêu đồng ruộng, núi rừng, sông suối, yêu thơ ca, tự do và hoà bình thì không gì có thể khuất phục được..."
Nữ nghệ sĩ điện ảnh người Mỹ Jane Fonda đã phát biểu:
"Các bạn Việt Nam đã cho tôi biết rằng, giữa cuộc chiến tranh với biết bao đau thương, con người vẫn có thể sống trong nhân phẩm, thậm chí trong cao quý...".
Còn nhà thơ nữ Bulgaria thì nói: "Cuộc chiến tranh ác liệt lẽ ra có thể chôn vùi Việt Nam, thì kẻ thù đã nâng họ lên độ cao, mà từ bất cứ điểm nào trên trái đất cũng có thể nhìn thấy!".
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước".
Tháng 7 của lòng biết ơn, của tình cảm yêu thương và đạo lý Việt Nam!
Tháng 7 hương trầm thơm ngát núi sông và những bông hoa của hoà bình đang được trân trọng đặt trước những nấm mồ liệt sĩ.
Không có những sự tự nguyện hy sinh to lớn đó, thì cũng không thể có hoà bình, hạnh phúc hôm nay.
Tổ quốc và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, những người đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi.
Tất cả sức mạnh đều bắt nguồn từ con người. Và sức mạnh tinh thần to lớn ấy là di sản lớn nhất của một dân tộc!