Tại Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ Nhất - 2011: “Đặc sản” rối nước Nam Định

10:07, 07/07/2011

Tham gia Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ Nhất vừa được tổ chức tại Hải Dương, các tiết mục biểu diễn của các nghệ sỹ thuộc 3 phường rối nước Nam Giang, Nam Chấn (Nam Trực) và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) của tỉnh ta đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn khán giả, du khách trong nước, quốc tế. Ban Tổ chức Liên hoan đã trao giải A cho tiết mục “Múa hát văn” và giải B cho tiết mục “Hoa bướm” của phường rối nước Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); tiết mục “Đánh đồn tây tại Điện Biên Phủ” của phường rối nước Nam Giang (Nam Trực) đoạt giải B; phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực) đoạt giải Tạo hình con rối xuất sắc.

Một tiết mục của phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực).
Một tiết mục của phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực).

Nghệ nhân Vũ Viết Đê, 65 tuổi, phường rối nước Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) tâm sự: Được biểu diễn trong Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp, mà là cơ hội để “giới thiệu” với đông đảo khán giả trong nước, quốc tế về nghệ thuật dân tộc đặc sắc của quê hương Nam Định. Còn nghệ sỹ trẻ Phạm Công Diện, 21 tuổi, cho biết, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả là nguồn động viên, “tiếp lửa” cho anh chị em trong phường rối nước Nghĩa Trung thể hiện xuất sắc tiết mục, lột tả được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật rối nước. Có thể nói, phường rối nước Nghĩa Trung là một trong những cái nôi của loại hình nghệ thuật rối nước. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật đồng quê này vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Hơn 10 năm trở lại đây, phường rối Nghĩa Trung được khôi phục, đến nay đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả bởi những tích trò đặc sắc và sự tài hoa của các nghệ sĩ. Phường luôn có suất diễn ở hầu khắp các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc và là một trong 15 phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ khách tham quan du lịch. Để tạo nét riêng, các nghệ nhân phường rối Nghĩa Trung biết làm mới các tích trò thông qua việc chọn lọc nhạc nền, sáng tác lời mới trên các tích trò cũ... Nghệ nhân Phạm Thế Toàn, Trưởng phường múa rối Nghĩa Trung cho biết: Ngoài việc chọn lọc và tập các tích trò cổ, các nghệ nhân của phường còn sáng tạo các tích trò là những vở diễn ngắn, đề tài liên quan đến đời sống đương đại như dân số, phòng chống HIV. Phần âm nhạc sử dụng làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời. Con rối của phường cũng có một vài điểm khác. Con rối sư tử của các phường khác chỉ có đầu nhưng sư tử của phường rối nước Nghĩa Trung có cả thân, vì vậy khi điều khiển cần phải khéo léo hơn. Các nghệ nhân xuất thân là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, biết nghề rối do các thế hệ đi trước truyền dạy, tuy trình độ biểu diễn chưa chuyên nghiệp nhưng có sức hấp dẫn khán giả riêng. Đó là cách diễn mộc mạc, hồn nhiên mang hơi thở đồng quê. Điều này được du khách, nhất là du khách nước ngoài trân trọng, đón nhận. Đến với Liên hoan nghệ thuật rối nước truyền thống toàn quốc năm 2011, phường rối nước Nghĩa Trung tham gia 10 tiết mục: “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Rồng thiêng đất Việt”, “Vợ chồng ông chài”, “Chàng câu ếch”, “Múa tứ linh”… Trong đó, 3 tiết mục do chính các nghệ nhân tự sáng tác và dàn dựng đoạt giải thưởng cao, như: “Múa hát văn”, “Hoa bướm” (nội dung tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường), “Lời ru của mẹ” (tuyên truyền phòng chống HIV)...

Phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực) tham dự Liên hoan với 6 tiết mục: “Tễu giáo đầu”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Dệt vải trao con”, “Câu ếch”, “Chọi trâu” và “Cu Tí đánh hổ” (cải biên từ câu truyện cổ tích: “Trí khôn của ta đây”). So với các phường rối nước trong khu vực đồng bằng sông Hồng, phường rối nước Nam Chấn có “bề dày” lịch sử, được thành lập vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh và điều khiển con trò theo những tích diễn mang đượm tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Tại Liên hoan, phường rối nước Nam Chấn đoạt giải “Tạo hình con rối xuất sắc”. Đây cũng là “đặc sản” của nghệ thuật rối nước phường Nam Chấn nói riêng và nghệ thuật rối nước tỉnh ta nói chung. Anh Phan Văn Mẽ, nghệ nhân rối nước của phường, cho biết: Nét độc đáo của quân rối Nam Chấn là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Thông thường, quân rối nước gồm 2 phần: phần thân nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới nước giữ cho con rối nổi, đồng thời là nơi lắp máy điều khiển. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi quân rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng. Trước đây, ở sân khấu lớn, người nghệ sĩ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển con rối, ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ đây, với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, người nghệ sĩ ngồi trên sàn và một lúc có thể điều khiển 5 con rối. Trong nghệ thuật múa rối nước, Nam Chấn là phường rối có nhiều tích trò, với hơn 40 trò cổ. Các tích trò của phường phản ánh sinh động về cuộc sống, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu như các tích trò: “Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông”, “Cấy lúa”, “Đấu vật”, “Múa tứ linh”, “Chọi trâu”, “Múa sư tử”… Nam Chấn cũng là phường có công “giới thiệu” nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân Nam Chấn được mời sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi ấy, đoàn có 12 người, trong đó làng rối Nguyên Xá có 4 diễn viên góp một tiết mục “Cáo bắt vịt”, còn lại 5 người của Nam Chấn và 3 người do làng  truyền nghề tham gia 13 tiết mục. Tiết mục “Múa tứ linh” miêu tả cảnh long, ly, quy, phượng diễu võ giương oai xông vào hỗn chiến, rồng phun lửa đỏ rực, kỳ lân vờn xung quanh, phượng xòe cánh mổ vào mai rùa, rùa trụ 4 chân phòng ngự gan góc. Tiết mục “Đánh cá” mô phỏng một sinh hoạt đời thường của nhà nông Việt Nam. Trên nền nhạc theo điệu lưu thủy, cò lả, cảnh những con cá bơi lội tung tăng, nhảy vút lên thuyền, rồi người đi đánh cá với nơm, vó bè, vó tay, tất cả đều sinh động, tươi tắn như cuộc sống thực. Đoàn đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.

Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ Nhất thành công tốt đẹp. Với những tiết mục có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật biểu diễn, kỹ thuật tạo hình con rối, các phường rối nước tỉnh ta đã giới thiệu với đông đảo khán giả “đặc sản” nghệ thuật rối nước Nam Định, xứng đáng là vùng quê văn hiến, giàu trầm tích di sản văn hóa./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com