Nặn con giống là trò chơi dân gian độc đáo ở một số miền quê thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi hiếm có trò chơi nào được tổ chức dành cho cả làng, trong đó mỗi gia đình là một đơn vị thi do người cao tuổi nhất đại diện. Trước khi tổ chức cuộc thi, cả làng chọn một cụ cao niên đã từng đoạt giải nhất trong các hội thi để làm trọng tài. Các gia đình đăng ký với trọng tài đề tài tạo hình (trọng tài phải giữ bí mật) và được phát số thứ tự. Các gia đình thường nặn con giống bằng sáp hoặc bằng bột. Trước khi nặn, người thợ phải kỳ công tạo nguyên liệu, nếu dùng sáp phải lấy sáp ong nấu chảy, nhuộm với các màu thiên nhiên như lá diễn, lá sấu, nghệ, hoa hiên... Sau khi nấu xong, đổ sáp màu ra khuôn để nguội. Lúc bắt đầu nặn, hơ sáp lên than hoa nấu chảy vừa độ dẻo. Nếu dùng bột thì lấy gạo nếp xay nhuyễn nhào với phẩm màu, đường cát trắng và nước đem nấu, đến khi bột nhuyễn dẻo mềm và không bị dính tay là được. Mỗi tác phẩm là sự thể hiện trí tuệ, tài hoa của tập thể gia đình. Sân đình được kê các dãy bàn dài có đánh số thứ tự, khi nghe tiếng trống dóng lên ba hồi, các nhà đưa sản vật ra trưng bày và đặt đúng vào số của nhà mình để ban tổ chức chấm giải. Trên các dãy bàn, nào chậu quất chĩu quả vàng ươm; cây mai cổ thụ gốc sù sì hoa nở trắng muốt; mâm ngũ quả có na xanh, đào hồng, lựu da cam, bưởi vàng, chuối trứng cuốc hay sư tử vờn cầu, đại bàng độc lập, công múa xoè đuôi đủ màu sắc, lợn đàn, gà trống mào đỏ lông đuôi ngũ sắc gà mẹ gà con theo sau... Lại có cả Thạch Sanh cứu công chúa dưới hang, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt nhổ tre ngà đánh giặc... Tất cả đều xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân./.
Ngọc Linh