Mỹ Lộc khơi dậy nghệ thuật chèo truyền thống

07:07, 28/07/2011

Từ đầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Lộc đã có 3 làng chèo nức tiếng gần xa là: làng Đặng (Mỹ Hưng), làng Quang Sán (Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (Mỹ Thuận). Hội chèo làng Đặng từng đi vào thơ ca gồm hai gánh hát chèo: Gánh hát làng Đặng thượng do cụ Đặng Đình Viêm làm trùm trưởng và gánh hát làng Đặng chợ, khi đi biểu diễn phối hợp với nhau thành “phường chèo Đặng Xá”. Tiếng tăm của phường chèo làng Đặng gắn liền với những vở tuồng cổ, chèo cổ “Quan Công đại chiến Bàng Đức”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính” và cả những vở đề tài hiện đại “Đường về trận địa”... Đội chèo làng Quang Sán, do cụ trùm Trần Đình Báo đứng ra quy tụ những người có năng khiếu trong làng để truyền nghề, dạy hát, múa và các tích trò... lập nên từ đầu thế kỷ XX. Trải qua bao thế hệ, đội chèo đã dàn dựng, biểu diễn hàng trăm tích cổ, vở diễn, 12 lần tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng và lực lượng vũ trang toàn quốc; 5 lần đoạt HCV, 3 lần đoạt HCB. Đội chèo làng Quang Sán từng được Sở Văn hoá cho phép đi biểu diễn 175 đêm ở các xã thuộc huyện Bình Lục (Hà Nam) và trong tỉnh. Tuy nhiên, trải qua thời gian và sự thay đổi thị hiếu nghệ thuật của công chúng, từ những năm cuối thế kỷ XX trở lại đây, cả hai gánh hát chèo của làng Đặng đều không còn hoạt động. Đội chèo làng Quang Sán cũng hoạt động cầm chừng. Làng chèo Nhân Nhuế, xã Mỹ Thuận cũng “im hơi, vắng tiếng” tại các cuộc liên  hoan, hội diễn. Thực tế này khiến nghệ thuật chèo cổ - vốn văn hóa văn nghệ quý giá của cha ông ở các làng quê trong huyện có nguy cơ mai một. 

Một tiết mục tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Mỹ Lộc năm 2011.  Ảnh: tiến thanh (Sở VH-TT và DL)
Một tiết mục tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Mỹ Lộc năm 2011.
Ảnh: Tiến Thanh (Sở VH-TT và DL)

Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng, trong đó đặc biệt chú trọng khôi phục nghệ thuật chèo tại các làng chèo truyền thống. Ngoài các CLB văn hóa, tổ nhạc, ban nhạc, đội trống, kèn... ở cả 137 thôn trong huyện đều có đội, tổ, nhóm văn nghệ do chi Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể lập nên và duy trì hoạt động. Mặc dù các đội văn nghệ chưa được tổ chức chặt chẽ, thiếu kinh phí hoạt động, song bằng niềm say mê văn nghệ, các diễn viên, nhạc công không chuyên đã góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ của mỗi làng, thôn. Bên cạnh loại hình ca mới, nhạc trẻ nhằm đáp ứng thị hiếu của giới trẻ, các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, dàn dựng những tiết mục hát chầu văn, hát ca trù và hoạt cảnh chèo. Phường chèo làng Đặng tuy không còn hoạt động, nhưng những người con của làng Đặng sinh sống tại Thị trấn Mỹ Lộc đã hình thành nên hai đội chèo mới: Nam Lê và Bắc Lê, hoạt động rất hiệu quả. Đội chèo xã Mỹ Hà được thành lập và duy trì hoạt động với đội ngũ 34 diễn viên, nhạc công, chủ yếu là người làng Quang Sán. Ngoài các vở chèo dài như: “Tiếng trống sang canh”, “Sông Hồng cuộn sóng”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, đội chèo xã Mỹ Hà còn dựng các hoạt cảnh chèo, các chương trình văn nghệ gồm cả nhạc mới, ca khúc chính trị và các tiết mục đàn hát dân ca. Thế mạnh của đội chèo xã Mỹ Hà là các diễn viên, nhạc công luôn tâm huyết với hoạt động văn nghệ quần chúng: Ông Trần Hoàng Yến, đội trưởng từng đoạt 25 HCV, 5 HCB qua các kỳ hội diễn. Các diễn viên, nhạc công: Trần Thị Thu Hà, Trần Thị Kim Lăng, Trần Ngọc Trường, Trần Đức Sáng, Trần Đình Nghiêm cũng luôn gắn bó với đội chèo ngay cả những lúc khó khăn nhất. Mặc dù kinh phí hoạt động do xã hỗ trợ còn hạn hẹp nhưng đội chèo thường xuyên chăm lo bồi dưỡng diễn viên trẻ, tổ chức các lớp học đàn, hát dân ca để xây dựng lớp diễn viên kế cận và dàn dựng các vở diễn mới. Vừa qua, đội chèo xã Mỹ Hà đã dựng vở chèo cổ “Huyền thoại suối Giải Oan” nói về thân thế, sự nghiệp của Thượng hoàng Trần Nhân Tông phục vụ Đại lễ Phật Đản 2011.

Những nỗ lực của các diễn viên, nhạc công không chuyên tại các làng quê trong huyện đã phần nào khôi phục được nghệ thuật chèo truyền thống. Tuy nhiên, để có thể duy trì lại những làng chèo cổ cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Mới đây, hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Mỹ Lộc đã diễn ra sôi động, quy tụ 700 nhạc công, diễn viên của 25 đội văn nghệ tham gia. Hầu hết các chương trình đều thể hiện sự dày công tập luyện. Nhiều tiết mục như: hát văn “Mỹ Lộc anh hùng”, hoạt cảnh chèo “Nghĩa tình người mẹ”... đã mang đến nhiều bất ngờ bởi các ca sỹ, diễn viên đã thể hiện được kỹ năng diễn xuất khá điêu luyện. Cùng với những hạt nhân văn nghệ có bề dày hoạt động, hội diễn cũng xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, với nhiều triển vọng như các anh, chị: Trần Văn Xương, Trần Thị Kim Huế (Mỹ Tiến), Trần Thị Hoa (Mỹ Thắng), Văn Khải (Mỹ Hà), Văn Đệ (Mỹ Thành)... Đây là “tín hiệu” vui để ngọn lửa nghệ thuật lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, để trong tương lai không xa, tại các làng chèo cổ ngày trước, tiếng hát chèo lại cất lên ngọt ngào, sâu lắng./.

Hồng Hạnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com