Một ban mai khác

09:07, 14/07/2011

Tôi nhớ một câu chuyện mình được nghe thời thơ bé - còn ám ảnh đến tận bây giờ. Nội dung câu chuyện  ấy đại thể là:  bạn hãy dậy sớm để đón nhận một ban mai yên bình với không gian tinh khôi và trong lành. Bạn sẽ nghe thấy tiếng chim hót líu lo trên cành đón chào ngày mới. Bạn sẽ nhìn thấy những giọt sương đọng trên lá non đầu cành như những hạt ngọc ông trời thả xuống nhân gian. Những người bạn gặp trên đường sẽ đón chào bạn bằng những nụ cười thân thiện. Ban mai sẽ mang đến cho bạn những điều bí mật diệu kỳ.

Quả thực ban mai khi ấy - với  tuổi thơ của tôi - đã trở thành một điều hết sức thiêng liêng và ấm áp. Ban mai là tiếng trẻ nô nức gọi nhau đến lớp. Là tiếng rao bánh mì len lỏi từng ngõ xóm. Là tiếng xe đạp cót két của mẹ hối hả đạp cho kịp giờ làm buổi sáng. Là tiếng chuông xích lô leng keng nơi ngã tư đầu phố.

Nhưng với tôi những ban mai ấy giờ đây đã quá xa xôi. Như một giấc mơ không thể gặp lại. Người ta chỉ có thể hoài nhớ vô vọng.

Rồi tôi chạnh nghĩ: Những ban mai thì liệu có gì khác nhau? Vẫn là ban mai ấy. Của giờ khắc ấy. Khi một ngày mới đến. Khi những guồng quay công việc cho một ngày được bắt đầu. Vậy sao ban mai khi xưa và ban mai của hai ba chục năm sau lại khác nhau đến như vậy? Có phải bởi tuổi tác mỗi người đều đã khác? Nhưng với các con tôi, chúng chẳng phải cũng tuổi tôi ngày xưa ấy? Tại sao những ban mai không thể lặp lại? Không còn những không gian trong vắt tiếng chim, những con đường hiền hoà người xe qua lại.

Giờ đây, ban mai bước ra đường với các con tôi là ăm ắp những nỗi lo âu. Con phố từ nhà đến trường mới sáu rưỡi sáng đã tắc ứ. Xe máy trườn qua đầu mũi ô tô, phi lên vỉa hè. Xe bên này lấn sang lối đi bên kia, chẳng còn phân biệt nổi làn đường bên phải bên trái. Con đi học về kể: may quá, cái xe máy tông vào đuôi xe đạp của con mà không sao. Mẹ vạch chân con ra. Vết thâm vẫn còn. Nhìn miệng con cười hồn nhiên mà lòng mẹ đau thắt. Con đường không ngày nào không tắc ấy, mình con chật vật len lỏi. Mồ hôi nhễ nhại. Ba lô trên lưng trở thành vật đeo cồng kềnh, mệt mỏi. Con phải lo nhìn trước nhìn sau, tìm từng khe hẹp trên con đường ngồn ngộn người xe mà chen mà lấn. Hết đoạn tắc đường thì gặp ngã tư. Đèn bật đỏ mà xe cứ lao như bất biết còn ai khác ở bên đèn xanh cũng cần phải đi nữa. Dạo đầu con còn run, còn nấn ná đứng mãi bên này ngã tư. Nhưng không thể đứng cả buổi sáng chờ xe bên đèn đỏ không còn người vượt ẩu. Con sẽ bị muộn học, sẽ bị cô trách mắng, sẽ phải mời phụ huynh đến giải trình. Con luôn ở giữa những nỗi âu lo mà nhiều khi phải quên đi chính sự an nguy của mình.  Ban mai của con làm gì có trong veo tiếng chim với cả long lanh giọt sương sớm mai đầu cành?

Hàng xóm nhà tôi,  có một cô bé đang tuổi đi mẫu giáo. Bố mẹ có điều kiện nên đầu tư cho con học tại một trường quốc tế, cách nhà chừng chục cây. Ngày nào cũng như ngày nào, sáu giờ sáng, đứa trẻ mới chỉ hơn ba tuổi đã bị lùa xuống dưới đường, quần áo mũ mão, khẩu trang bịt kín mít. Trời mưa gió cũng như trời mùa đông rét mướt. Đứa trẻ bé như một viên kẹo, ngáp ngắn ngáp dài, đứng cạnh người giúp việc, chờ xe ô tô của nhà trường đến đón. Trên xe đã có một số “viên kẹo” khác, hoặc nước mắt nước mũi lem nhem vì khóc đòi mẹ, hoặc ngái ngủ vì một ban mai bị đánh thức giữa cơn ngủ đương say.

Giả sử có một bài văn viết về một ban mai bước ra đường, các con tôi sẽ viết gì đây? Thật ra chúng ta đang khước từ những ban mai hay ban mai đang khước từ chính chúng ta?

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com