Gác bếp quê nhà

10:07, 07/07/2011

Gác bếp được làm bởi những thanh tre buộc ngang dọc vào nhau tạo thành những ô vuông giống như bàn cờ nên rất thông thoáng nhưng lại vô cùng chắc chắn. Và bao giờ gác bếp cũng được treo phía trên cái kiềng sắt chừng hai mét, để đón làn khói bếp xông lên, tạo ra bồ hóng. Đó là hình ảnh thân thuộc trong mỗi mái bếp lợp rạ ở nông thôn xưa nay.

Gác bếp thường gồm có hai tầng, cách nhau khoảng nửa mét. Tầng trên chuyên dùng để đựng các vật dụng được làm từ tre, nứa. Những cây đòn càn, đòn gánh hay đòn xóc sau mỗi vụ mùa lại được bó gọn rồi gác lên, nằm im để khói xông vào, vừa thêm chắc bền vừa không bao giờ bị mọt; nửa năm sau thì được lôi xuống rửa sạch bồ hóng mà theo người ra đồng. Mấy đôi quang tre, quang mây sau mỗi đợt gánh gồng lúa mạ, phân gio cũng được lên gác bếp cho có bầu có bạn. Những cái rổ mau, rổ thưa, rổ sàng, rổ xảo hay chiếc rế nồi đất, cái chổi xể mỗi khi cha đan xong đều được ném lên, quên đi một vài tháng, thậm chí một vài năm rồi mới được đem ra dùng. Chùm lờ rạm, chùm đó tôm, cái nơm úp cá của tôi hay chồng vó tép của các chị sau những ngày dầm mình trong bùn nước thì cuối mùa cũng được trở về trên gác bếp thân quen. Rồi nắm lạt cật hóp còn lơ xơ, chưa kịp vót cũng được cha ném lên gác bếp, nằm xen kẽ với những rổ, rá, giần, sàng; khi nào trời nổi gió mưa thì chỉ cần dấp qua nước, nắm lạt ấy càng thêm dẻo dai, giúp bờ rào, bờ dậu được chắc chắn. Cũng có khi cha tôi gác lên cả một đoạn thân tre, để rồi một lúc nào đó, cái đoạn tre ấy được pha thành bó đũa, nắm nan rổ hay mớ tăm xỉa răng. Tất cả những thứ đó nằm ngổn ngang, chồng chất và đều có chung một màu đen kịt của bồ hóng bám lâu ngày. Người nhà quê luôn có tính tích góp, hay phòng xa như thế!

Tầng dưới của gác bếp là nơi để thức ăn hàng ngày. Nồi cá kho hay tôm rang đậy vung lại rồi bỏ cả trên gác, vừa tránh được kiến hay chó, mèo ăn vụng, lại vừa giúp cho căn bếp được gọn gàng, ngăn nắp. Phía sát tường thường để những quả bầu, quả mướp đã khô tom bám đầy bồ hóng. Đấy là nơi cất giữ hạt giống của mẹ. Đợi đến mùa gieo hạt năm sau thì lấy quả mướp khô ấy xuống, cắt từng khoanh rồi dốc hạt ra, còn xơ mướp thì dùng để rửa bát. Phía ngoài của gác bếp bao giờ cũng treo lủng lẳng mấy cái giỏ đựng gừng, hành, tỏi hay chùm ớt khô. Khi xào nấu, chỉ cần đứng dậy, thò tay vào lấy ra chứ không phải đi chợ mất nhiều thời gian. Và cũng không thể thiếu được cái giỏ đựng chùm bồ kết để gội đầu hay xâu vỏ quýt khô giòn, xoăn tít dành cho những ai đau bụng. Mỗi khi bẻ ngô, mẹ tôi thường chọn những bắp to, hạt mẩy đều, buộc túm lại rồi treo lên gác bếp làm hạt giống mà chẳng lo bị ẩm mốc và sâu bọ ăn hại bao giờ!...

Cái gác bếp giản dị và cũ kỹ, dẫu chẳng sơn son thếp vàng hay ngọc ngà châu báu gì nhưng đối với người nhà quê sao mà đáng quý, đáng yêu đến thế! Đó là cái kho đựng cơ man nào các loại đồ dùng qua tháng qua năm mà không phải nhờ chất bảo quản, chỉ cần khói bếp ngày ngày ba bữa xông lên. Khi no ấm đủ đầy, gác bếp là nơi tích trữ, giữ dành; còn khi đói bụng thì đã có nồi cơm nguội trên gác bếp sẻ chia… Chỉ những ai đã sống qua tháng ngày lam lũ nơi ruộng đồng, sông nước thì mới hiểu cái gác bếp quan trọng và gần gũi đến nhường nào!...

Trần Văn Lợi
(Khu 7 - TT Rạng Đông - Nghĩa Hưng)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com