Cổng làng

07:07, 21/07/2011

Trong tâm trí của mọi người, nói đến làng quê Việt Nam là nói đến hình tượng cây đa, giếng nước, sân đình, là rặng tre, bờ rào, ao làng, đường thôn ngõ xóm, và nhất là chiếc cổng làng - nơi chứng kiến bao buồn vui của dân làng.

Cổng làng thường ngày chỉ gặp những người trong thôn, xóm với cày cuốc ra đồng canh tác trên những thửa ruộng cần làm ra hạt lúa, củ khoai. Những ngày sắp tết, người trong làng gác lại việc canh nông, xem trong vườn có hoa trái, rau lá gì đáng giá thu hoạch gánh ra chợ bán. Thỉnh thoảng cổng làng đón những chiếc xe máy, xe ô tô của những người khá giả trở về, nặng những đào quất, rượu chai, mứt tết, hòm to, thủng nhỏ lẻng xẻng. Cũng có người lặng lẽ âm thầm với chiếc túi xách mép sờn, lầm lũi trở về làng sau những tháng ngày miệt mài nơi đất khách, quê người làm ăn thua thiệt. Những cô cậu sinh viên nghèo hớn hở trở về qua cổng làng, vai đeo toòng teng chiếc cặp trong có vài bộ quần áo cũ, dăm ba gói kẹo. Những anh lính trẻ có thành tích được trên cho về quê ăn tết, khoác ba lô, chân đi giày vải qua cổng làng mặt mũi hớn hở gặp ai cũng hỏi, cũng chào, vài ba em nhỏ chạy theo đòi anh chia kẹo hoặc thưởng cho mấy quả bóng bay xanh, đỏ, tím vàng. Vài ba chiếc xe thồ chở rau qua cổng lên chợ huyện bán buôn nhanh chóng trở về đi thêm chuyến nữa. Những chiếc xe công nông xả khói đen mù, lao qua cổng làng chất đống trên thùng mấy bộ bàn ghế sa lông thời mở cửa của mấy nhà vừa mới “ăn nên, làm ra”. Rồi mấy cụ già râu tóc bạc phơ, gậy trúc lững thững dắt cháu qua cổng làng đến đánh cờ với mấy người bạn đồng niên. Vài bà vãi trẻ khoác áo nâu sòng, tay mang túi lụa, mũ len guốc mộc hối hả đến tụng kinh gõ mõ cho gia chủ cúng đón ông bà.

Cổng làng cũng vang tiếng loa nhắc nhở bà con thôn xóm cảnh giác bảo vệ an ninh, nghe ầm ầm tiếng máy xát gạo, nghiền khoai, nghiền bột. Những chị nông dân chân đi xà cạp, mặt trùm kín khăn, giọng khàn khàn âm ấm rủ nhau cùng đi nhổ mạ cấy nốt thửa ruộng đã bừa kỹ. Cổng làng nghe quen quen tiếng bà đồng nát ngày ngày đến làng mua lông gà, lông vịt.

Cổng làng vui khi thôn xóm được mùa trong năm tất bật gánh lúa, thồ khoai từ đồng ruộng về làng, buồn khi mưa gió bão bùng, lũ lụt tung hoành tàn phá quê hương. Cổng làng đau khi thấy máy xúc, máy ủi san đi những bụi tre, bờ giậu, giếng nước, ao làng. Cổng làng vợi đi nỗi buồn khi thấy các cụ già chan chứa yêu thương, kiên trì bảo ban, dạy dỗ cháu con học hành chăm chỉ, phấn đấu nên người.

Làng quê đổi mới, chan chứa tình người, cổng làng chứng kiến tất cả những buồn vui, thay đổi. Dẫu cho năm tháng đi qua, làng xóm thôn quê vẫn vững vàng cùng với chiều dài lịch sử, lớp lớp cháu con nối tiếp truyền thống cha ông phát triển đi lên trên các trận tuyến. Dù có thất bại hay thành đạt ở phương trời nào, mỗi người đều nhớ về quê hương làng xóm. Cổng làng là niềm kiêu hãnh, là hoài niệm, là sự linh thiêng, là niềm tự hào của bao thế hệ. Cổng làng là nét đẹp văn hoá, là sản phẩm vật chất và tinh thần của cha ông để lại, là công trình kiến trúc đặc trưng cho mỗi làng xã, thôn quê. Đó là niềm tự hào sâu sắc, là dấu ấn của mỗi con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành./.

Theo: Tạp chí Văn hóa Quân sự



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com